5 phút cho Lời Chúa - Tháng 10/2012
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10/2012
Ý chung: Cầu cho việc Tân Phúc Âm hoá: Xin cho việc Tân Phúc Âm hoá được phát huy và tiến triển trong các nước có truyền thống Kitô-giáo lâu đời.
Ý truyền giáo: Cầu cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo: Xin cho việc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo trở nên dịp cho một dấn thân mới trong việc rao giảng Tin Mừng.
01/10/12 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ HT
Mt 18,1-5
CON ĐƯỜNG NHỎ
"Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy." (Mt 18,4-5)
Suy niệm: Con đường nhỏ mà thánh Têrêxa đã đi qua là con đường hoàn toàn tin yêu phó thác vào Tình Yêu Thiên Chúa như một đứa trẻ tin tưởng phó thác vào cha mẹ mình. Đó là con đường trân trọng từng việc tầm thường nhất, từng cơ hội nhỏ bé nhất để diễn tả lòng mến Chúa yêu người bằng tất cả tấm lòng mình. Con đường nhỏ không kiêu căng, tham vọng nhưng nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi những người bé mọn nhất ở xung quanh mình. Đó là sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Chúa gọi lại với Ngài một em bé cách ngẫu nhiên, không tuyển lựa. Một cách nào đó, Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với em bé ấy. Thì ra, Chúa Giêsu ở đây, ở đó, khắp nơi trong đời ta. Ngài luôn hiện diện sẵn đó, và ta dễ gặp Ngài quá!
Mời Bạn: Hình như sự so kè hơn thua, cái cao vọng muốn hơn người là cám dỗ muôn thuở, không chỉ nơi xã hội trần thế mà ngay cả trong các cộng đoàn môn đệ Chúa. Nó làm cho người ta căng thẳng và, do đó, khổ sở. Nó hoàn toàn đối ngược với con đường nhỏ của thánh nữ Têrêxa và của chính Chúa Giêsu. Cách tốt nhất để mừng lễ ngài là xin ngài đưa ta vào con đường nhỏ của ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn ra khuôn mặt Chúa Giêsu và ứng xử với Ngài nơi một anh chị em ở gần tôi mà cho tới nay tôi vốn không quan tâm mấy.
Cầu nguyện: "Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi! Đường cao vọng chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu... Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui" (Tv 131).
02/10/12 THỨ BA TUẦN 26 TN
Thiên Thần Hộ Thủ
Mt 18,1-5.10
CHỚ KHINH THƯỜNG TRẺ EM!
"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả that, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." (Mt 18,10)
Suy niệm: Theo thống kê của bộ Lao động và Thương binh Xã hội năm 2006 trong cả nước có gần 1 triệu trẻ em phải lao động. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 đã có hơn 300.000 trẻ em cùng cha mẹ hoặc tự mình đến đây kiếm sống, trong đó gần một nửa làm việc trong những điều kiện độc hại và thậm chí bị ngược đãi. Tất nhiên đại đa số chúng không thể cắp sách đến trường. Ngoài ra còn phải kể biết bao trẻ em bị bạo hành, lạm dụng tình dục, và mỗi năm hàng triệu thai nhi bị giết hại! Về thái độ phải có đối với trẻ em, Chúa Giêsu nói: "Chớ coi thường những kẻ bé mọn này" bởi vì họ được Thiên Chúa coi trọng. Thế nên coi thường, ngược đãi trẻ em chính là xúc phạm đến Ngài cách nặng nề vậy!
Mời Bạn: Có những việc tưởng chừng là đương nhiên nhưng lại là "coi thường trẻ nhỏ" cách nghiêm trọng đến không ngờ: bận bịu trong việc mưu sinh để rồi quên sót bổn phận giáo dục con cái; hoặc lo cho con cái ăn học nhưng chỉ nhắm đến mảng kiến thức kỹ năng nghề nghiệp mà quên đi việc giáo dục nhân cách và nhất là giáo dục đức tin cho chúng. Mời bạn trở nên những "thiên thần hộ thủ" cho các trẻ em bằng việc quan tâm chăm sóc chúng như Chúa hằng mong muốn.
Sống Lời Chúa: Cha mẹ dành thời gian để đối thoại với con cái và nhất là để gia đình cầu nguyện chung với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ở lại trong gia đình chúng con và biến đổi chúng con nên gia đình thánh thiện.
03/10/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 9,57-62
ĐÒI HỎI KHẨN THIẾT CHO NGƯỜI MÔN ĐỆ
"Tôi xin theo Thầy, nhưng..." (Lc 9,61)
Suy niệm: Phúc Âm Luca trình bày những điều kiện để làm môn đệ Chúa qua ba trường hợp khác nhau. Trường hợp đầu tiên là một người đầy nhiệt huyết hăm hở nói: "Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo;" trái lại trường hợp thứ ba là một anh lừng khừng bắt cá hai tay: đã xin theo Chúa lại còn mặc cả thêm một chữ "nhưng...". Một mặt Chúa Giêsu làm dịu "cái đầu nóng" đầy ảo tưởng của người thứ nhất bằng cách cho thấy đòi hỏi khắc nghiệt đang chờ đợi anh ta khi đi theo Đấng "không có chỗ tựa đầu," mặt khác Ngài cũng đòi hỏi một sự từ bỏ triệt để đối với cuộc sống cũ: "cầm cày không ngoái lại đàng sau." Không quyến luyến với những gì đã bỏ lại đàng sau và cũng không ảo tưởng một cái gì phía trước để chỉ có chính Chúa và duy một mình Chúa là đối tượng mình tìm kiếm, đó chính là điều kiện cốt yếu để làm môn đệ Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta thường hiểu đây là đòi hỏi dành cho những ai muốn "đi tu". Không sai! Nhưng đó cũng là điều kiện đối với bất cứ ai muốn đặt niềm tin vào Chúa Kitô để cùng với Ngài "chết đi cho tội lỗi" và sống lại trong sự phục sinh của Ngài (x. Rm 6,11).
Chia sẻ: Chúa có ý gì khi nói: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết"? Bạn có thấy việc loan báo Tin Mừng là việc thiết yếu và khẩn cấp không?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: "Anh em phải cởi bỏ con người cũ... để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,... và mặc lấy con người mới được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,22-24).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thôi thúc con để con xác tín rằng: "Khốn cho con nếu con không loan báo Tin Mừng."
04/10/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Phanxicô Átxidi
Lc 10,1-12
SỨ MẠNG CỦA MỌI KITÔ HỮU
"Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác..." (Lc 10,1)
Suy niệm: Khởi đầu chương 10, Phúc Âm Luca ghi: "Sau đó, Chúa chỉ định 72 người khác..." bởi vì trước đó Luca đã dành cả chương 9 thuật lại việc Chúa chọn Nhóm Mười Hai, để họ ở với Ngài, dạy dỗ họ, và rồi sai họ đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là ngoài Nhóm Mười Hai còn có những người khác cũng tin theo Chúa Kitô: họ cũng được kể là môn đệ và ở với Ngài và cũng được sai đi loan báo Tin Mừng. Sứ mạng thật cấp bách: "lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít" (c. 2), không thể khoán trắng cho Nhóm Mười Hai; trái lại, mọi môn đệ đều phải tham gia. Hơn nữa, họ không hành động riêng lẻ mà là cùng với nhau "từng hai người một" và cùng với các tông đồ, vì quả thật "bài sai" dành cho họ (cc. 3-11) xét về cơ bản cũng chính là "bài sai" dành cho các tông đồ (x. Lc 9,2-5).
Mời Bạn: Công đồng Vaticanô II minh định rằng việc loan báo Tin Mừng là ơn gọi và sứ mạng của mọi tín hữu chứ không phải của riêng các linh mục, tu sĩ. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 cũng xác định "phương thế cụ thể" để loan báo Tin Mừng "trong bối cảnh xã hội hiện nay" là "toàn Dân Chúa tích cực cộng tác với mọi người thiện chí," để "cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống" (32)
Chia sẻ: "Bài sai" 72 môn đệ (Lc 10,3-11) giống và khác với "bài sai" 12 tông đồ (Lc 9,2-5) ở những điểm nào?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người bạn/gia đình lương dân và loan báo Tin Mừng bằng đời sống bác ái trước khi nói với họ về Đức Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện... Amen.
05/10/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,13-16
NHẬN BIẾT ƠN CHÚA BAN ĐỂ HOÁN CẢI
"Khốn cho ngươi, hỡi Khôradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa!" (Lc 10,13)
Suy niệm: Cũng như Caphácnaum nằm ven bờ bắc của Biển Hồ Tibêria, vốn được gọi là "nhà của Chúa Giêsu" (Mc 2,1; 9,33), Khôradin cách đó khoảng 3 cây số về phía bắc cũng là nơi Chúa thường lui tới trong hành trình rao giảng. Bétxaiđa, cách Caphácnaum 3 cây số về phía đông, cũng không phải là nơi xa lạ vì là quê quán của các tông đồ Phêrô, Anrê và Philípphê (x. Ga 1,44). Cả ba nơi này đã nghe nhiều lời Chúa giảng dạy, đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm. Thế nhưng Ngài đã phải thốt lên lời than trách "Khốn cho ngươi" đầy thương xót pha lẫn giận dữ và cảnh báo nghiêm khắc, chỉ vì thái độ vênh vang trước những ơn đặc biệt đó trong khi vẫn cứng lòng chai đá mà không hối cải, là điều kiện tối cần để được cứu độ.
Mời Bạn: Nếu hôm nay Chúa Giêsu đến nói với bạn những lời như trên thì thử hỏi bạn sẽ có thái độ nào đây? Chúng ta đã nhiều lần được nghe Lời Chúa, đã được biết về Chúa, được lãnh nhận hồng ân tái sinh, nhưng chúng ta đã khước từ Chúa qua cách sống thiếu niềm tin trong cuộc sống hàng ngày, qua thái độ dửng dưng lạnh nhạt với lời mời gọi hoán cải. Như vậy chúng ta đâu khác gì những dân thành Bétxaiđa hay thành Khôradin ngày xưa!
Sống Lời Chúa: Nhớ lại những ơn lành Chúa đã ban cho mình và quyết tâm chừa bỏ một nết xấu.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển, xin chiếu sáng chỗ tối tăm trong lòng con và ban cho con một đức tin chân thật, một đức cậy vững vàng và một đức mến hoàn hảo... để con chu toàn thánh ý Chúa trong mọi việc con làm. Amen. (Th. Phanxicô Átxidi)
06/10/12 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Brunô, linh mục
Lc 10,17-24
HẠNH PHÚC BẤT NGỜ
"Nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa muốn thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe." (Lc 10,24)
Suy niệm: Được Chúa Giê-su trao nhiều quyền năng (đạp lên bọ cạp rắn rết mà không hề hấn gì, trừ được quỷ, chữa được bệnh...), các môn đệ dường như ngây ngất vì vinh quang bao quanh các ông, dù đó là hào quang đi mượn. Các ông hớn hở vì đã tung ra được những đòn đích đáng khiến "ma quỷ cũng phải khuất phục." Vui như thế, các ông đã đặt sai trọng tâm. Vinh quang đích thực của con người không phải là những gì họ làm mà là những gì Thiên Chúa làm cho họ. Hạnh phúc đích thực mà các môn đệ không ngờ tới không phải là làm được những cú ngoạn mục nhưng là được ở với Đức Giê-su, điều mà các ngôn sứ các vua chúa trước đây muốn được mà không được. Và cuối cùng, đó chính là hạnh phúc đời đời, là niềm vui vì "tên của anh em đã được ghi trên trời".
Mời Bạn: Phải chăng đã hơn một lần bạn, tôi cũng hành xử giống như các môn đệ: vồ vập lấy những ơn Chúa ban mà quên khuấy đi chính Đấng ban ơn? Những lúc làm được điều gì tốt đẹp, bạn đã làm gì: "khoái chí" vì mình được khen ngợi hay bạn làm như Chúa Giêsu, "ngợi khen Chúa Cha là chúa tể trời đất, vì Cha đã mạc khải những điều trọng đại cho những người bé mọn"?
Sống Lời Chúa: Nhớ lại một ơn lành đã được hoặc một việc tốt bạn đã thực hiện và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về điều đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã ban cho con biết bao ơn lành. Xin cho con biết dùng ơn Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân nhiều hơn nữa.
07/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – B
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
ĐẤNG BA LẦN PHÚC
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : "Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." (Lc 1,28)
Suy niệm: Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn. Ở phần một, tiếng "phúc" được nhắc đến ba lần. "Phúc", vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. "Phúc", vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. "Phúc", vì Đức Giêsu ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay, Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giêsu trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi xướng kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.
Mời Bạn: Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, và Đức Thánh Cha Phaolô đệ lục đã nói: sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình. Bạn, gia đình bạn còn trung thành lần chuỗi Mân Côi không?
Sống Lời Chúa: Bạn dâng một chuỗi cầu nguyện cho một người hay một gia đình đang xa Chúa. Xin cho họ được phúc có Thiên Chúa ở cùng.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể, Con Mẹ. Ước chi con biết tận hiến như Mẹ.
08/10/12 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Lc 19,25-37
TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN VỚI AI?
"Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" (Lc 10,36)
Suy niệm: Câu hỏi của thầy thông luật đầy vẻ thách thức và qui về chính mình: "Ai là người thân cận của tôi?" Để trả lời, Chúa đã đặt câu hỏi ngược lại: "Ai là người thân cận của người bị nạn?" Ngài đã dạy chúng ta bài học quý báu về đức ái trọn hảo, và cũng là cách thức để đạt tới sự sống đời đời: 1) Thay vì coi mình là trung tâm, bắt người khác phải quan tâm, phải qui hướng về, đến tôi, mỗi người phải quên mình và hướng tới người khác, để quan tâm phục vụ họ. 2) Người khác ở đây là bất cứ ai đang gặp khó khăn khốn cùng, dù đó là người xa lạ, những người nghèo hèn không có khả năng đền đáp, hay thậm chí là kẻ thù của mình nữa. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn nói người Samaria nhân hậu đó là hình ảnh của chính Ngài: hạ mình xuống để trở thành người thân cận với những kẻ khốn cùng.
Mời Bạn: Làm điều tốt cho người yêu thương mình là điều bình thường, Chúa Giêsu đã nói: "ngay cả người tội lỗi cũng làm như vậy" (Lc 6,32). Nhưng đối với những người con cái Chúa, Ngài đòi hỏi nâng tình yêu thương lên mức độ cao thượng hơn, đó là phải biết cúi xuống để yêu mọi người không trừ ai, dù là người kém may mắn, người xa lạ, hay thậm chí là kẻ thù.
Chia sẻ: Bạn làm gì để "biến mình thành người thân cận" với người khác?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm một việc bác ái cho người sống bên cạnh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tình yêu Chúa biến con trở nên người thân cận với hết mọi người, để nhờ đó tình yêu Chúa được lan toả đến mọi nơi và mọi tâm hồn. Amen.
09/10/12 THỨ BA TUẦN 27 TN
Th. Điônyxiô, giám mục, và các bạn tử đạo
Lc 10,38-42
CHÚA ĐẾN CHƠI NHÀ
Chúa nói: "Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10,41-42)
Suy niệm: Văn học Việt Nam ghi lại giai thoại cụ Dương Khuê đến chơi nhà ông bạn vong niên Nguyễn Khuyến. Nhà cửa thanh đạm, không có gì tiếp đãi bạn, cụ Nguyễn Khuyến dí dỏm dành cho bạn điều quí giá hơn hết, đó là một tình bạn chân thật: "Bác đến chơi đây, ta với ta." Chúa Giêsu đến nhà của chị em Mácta và Maria ắt hẳn không phải để thưởng thức những món cao lương mỹ vị. Ngài đang trên đường lên Giêrusalem, nghĩa là Ngài sắp đương đầu với các thượng tế, kỳ lão và luật sĩ thù địch, Ngài sắp "bị giao nộp, bị sỉ nhục, bị giết chết"... Trong bối cảnh căng thẳng như thế, điều Ngài tìm kiếm, mong muốn chắc chắn không phải là những món ăn ngon chính là một tình bạn biết cảm thông, một tấm lòng biết lắng nghe, biết chia sẻ. Điều đó Chúa đã tìm thấy nơi chính Maria chứ không phải Mácta, và đó là điều duy nhất cần đối với Chúa.
Mời Bạn: Thật là thiếu tế nhị khi tiếp đãi bạn mình bằng những thứ mà người đó không thích. Vậy bạn đang tiếp đón Chúa bằng những thứ gì? Bạn có dành cho Chúa điều Chúa thích nhất là chính tấm lòng của bạn không?
Sống Lời Chúa: - Đón Chúa trong lòng: chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng ruớc Chúa Giê-su Thánh Thể, và dành trọn tâm tình để tâm sự với Ngài. – Đón Chúa trong gia đình: đọc Lời Chúa trong giờ kinh chung của gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đáng mến. Con yêu Chúa hết lòng. Con xin dâng Chúa tất cả con người của con để con được mãi mãi thuộc trọn về Chúa.
10/10/12 THỨ TƯ TUẦN 27 TN
Lc 11,1-4
THƯA THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN
"Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông." (Lc 11,1)
Suy niệm: Cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu của đời sống tâm linh đối với những ai muốn sống thân mật với Thiên Chúa. Nhưng cầu nguyện thế nào nhiều khi chúng ta cảm thấy lúng túng. Có không ít người cứ tưởng rằng phải đọc kinh này, phải hát bài kia mới là cầu nguyện. Phải đọc và hát nhiều nhiều mới gọi là cầu nguyện sốt sắng. Thực ra, cầu nguyện đâu có phức tạp đến thế. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa như nói với người cha của mình. Kinh "Lạy Cha" mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gồm những lời cầu đơn sơ như những lời của đứa con nhỏ nói với cha mình. Mỗi ngày đọc kinh "Lạy Cha" với tâm tình trẻ thơ ấy là cầu nguyện rồi. Gẫm đi gẫm lại từng lời trong kinh này sẽ đưa chúng ta đi sâu vào việc gặp gỡ Cha mình và cảm nghiệm thế nào là cầu nguyện.
Mời Bạn: Kinh "Lạy Cha" nằm trên cửa miệng người Kitô hữu, và mỗi người chúng ta cũng đã nhiều lần đọc kinh ấy. Nhưng đọc kinh "Lạy Cha" với tâm tình nào chính là yếu tố xác định cho biết mình đã cầu nguyện thế nào. Nội dung kinh "Lạy Cha" đặt chúng ta trong tương quan với Chúa và với tha nhân đó bạn. Khi cầu nguyện với kinh "Lạy Cha" cũng là lúc chúng ta thực hiện những điều chúng ta xin trong kinh ấy.
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm thế nào khi cầu nguyện với Chúa bằng kinh "Lạy Cha"? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhớ đọc kinh Lạy Cha một cách chậm rãi với tâm tình của một người con thưa chuyện với cha mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
11/10/12 THỨ NĂM TUẦN 27 TN
Khai mạc Năm Đức Tin
Lc 11,5-13
KIÊN TRÌ CẦU XIN
"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho." (Lc 11,9)
Suy niệm: Cần thì mới xin giúp! Dù vậy, vì lịch sự, vì ngại làm phiền, người ta cũng không dám kèo nài trong tình huống tế nhị "cửa đã đóng, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi," nhất là khi còn bị đáp lại thẳng thừng: "Đừng làm phiền!" Thế nhưng người xin này bất chấp tất cả từ đường xá đêm khuya và ngay cả sự từ chối không nể nang của bạn để vay cho kỳ được ba chiếc bánh. Rốt cuộc anh cũng đạt được điều mình xin chỉ vì "anh ta cứ lì ra đó." Chúa Giêsu kể câu chuyện này để dạy chúng ta biết kiên trì khi cầu nguyện: Nếu như trước một người bạn không chút nhiệt tình mà anh này chỉ nhờ "chai mặt" kiên trì tới mức lì lợm, và cuối cùng cũng được toại nguyện, thì, Chúa Giêsu khẳng định, trước Thiên Chúa là Đấng nhân từ, chúng ta cứ xin thì chắc chắn sẽ được. Chẳng những Ngài luôn ban phát điều tốt lành cho con cái mình mà Ngài còn làm hơn cả điều chúng ta xin đó là ban Thánh Thần cho chúng ta.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta cầu xin Chúa, nhưng chưa kiên trì, chưa đặt trọn niềm tin và hy vọng vào Ngài mà đã vội kêu trách Chúa, thậm chí chối bỏ niềm tin. Mời bạn kiểm điểm lại sự kiên trì của mình trong cầu nguyện, và mỗi ngày nhìn lại ngày sống để thấy muôn vàn ân huệ Thiên Chúa hằng ban mà đôi khi bạn không thấy được.
Sống Lời Chúa: Tập kiên trì trong việc cầu nguyện bằng cách trung thành với giờ cầu nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con thêm lòng tin cậy mến, sự kiên trì trong cầu nguyện, và cho con xác tín rằng Thiên Chúa yêu con hơn con tưởng, qua chính việc ban Thánh Thần cho con. Amen.
12/10/12 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Lc 11,15-26
THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI ĐỘC MIỆNG
"Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông." (Lc 11,15-16)
Suy niệm: Gán những phép lạ tốt lành Chúa Giê-su thực hiện cho chúng có nguồn gốc từ quỉ Bêendêbun, đó quả là một lời xuyên tạc hiểm độc. Đối lại, Chúa Giêsu cho thấy không có gì phải làm ầm ĩ. Một cách bình thản, Ngài đưa ra những lập luận lành mạnh và vững chắc để bẻ gãy những lời nguỵ biện kia: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn... Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?" Nhưng, phản bác những lời xuyên tạc kia chưa phải là mối bận tâm lớn nhất của Chúa, trọng tâm duy nhất của Ngài đó là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa: "Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông."
Mời Bạn: Tôi có cái nhìn đầy thành kiến "trông cò ra quạ", nhìn những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ra biểu hiện của quỷ Bêendêbun hay không? Tôi có xu hướng xét đoán ý xấu cho người khác không? Mặt khác, ơn gọi và sứ mạng của người môn đệ Chúa là loan báo Tin Mừng trước tiên bằng đời sống của mình giữa thế gian, tôi đã phản ứng thế nào khi làm điều tốt mà lại bị người khác công kích, xuyên tạc?
Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm thật kỹ mẫu gương của Chúa Giê-su hôm nay. Mỗi khi tôi định nói xấu về ai hoặc tôi bị ai nói xấu hãy nhớ lại thái độ này của Chúa và xin ơn bắt chước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biến tội lỗi chúng con thành dịp để ban cho chúng con điều tốt đẹp nhất, đó là ơn cứu độ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa để con có thể khám phá những điều tốt đẹp nơi anh em con.
13/10/12 THỨ BẢY TUẦN 27 TN
Lc 11,27-28
MỐI PHÚC CỦA CON CÁI CHÚA
"Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11,28)
Suy niệm: Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về việc lắng nghe và mau mắn thi hành Lời của Chúa. Mỗi lần Chúa muốn làm điều gì trên cuộc đời và bản thân của Mẹ, việc đầu tiên Mẹ làm là lắng nghe, rồi suy đi nghĩ lại để cho Lời Chúa được thai nghén, lớn lên trong Mẹ. Kết quả của việc nghiền ngẫm Lời Chúa khiến Mẹ bình an tâm và mau mắn thưa với Chúa: xin Chúa cứ làm cho tôi theo như Lời Người! Hiểu như vậy, thì Mẹ là người diễm phúc nhất trên trần đời này như lời Chúa nói: "Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa."
Mời Bạn: Diễm phúc đó không chỉ dành riêng cho Mẹ Maria mà còn ban tặng cho những ai làm như Mẹ: sẵn sàng để cho Thiên Chúa hoạt động trong đời mình, và nhờ đó được biến đổi làm cho ta trở thành con người mới trong Đức Ki-tô, mang Lời Chúa trong tâm hồn và trên môi miệng để trở nên những nhà truyền giáo trong thế giới.
Chia sẻ: Bạn chưa thể giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân? Phải chăng vì Lời Chúa chưa được lắng nghe và thấm sâu trong cuộc sống của bạn? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm nhờ nghiền ngẫm Lời Chúa mà có thể giới thiệu Chúa Kitô cho anh em lương dân.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã cưu mang, đã để cho Ngôi Lời lớn lên trong cung lòng của Mẹ mỗi ngày va rồi đã trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại. Xin cho chúng con cũng noi gương Mẹ biết đón nhận và mau mắn đi vào sự hiệp thông với Lời Chúa qua việc giới thiệu và dẫn đưa anh chị em đến với Chúa. Amen.
14/09/12 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B
Mc 10,17-30
ĐỪNG THIỆN CHÍ NỬA VỜI
"Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,21-22)
Suy niệm: Chúa Giêsu thực sự hài lòng, Ngài "đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến" người thanh niên vừa giàu của cải, đạo đức lại giàu thiện chí này: tuy anh đã chu toàn đầy đủ cả một chuỗi dài các luật lệ nhưng anh cũng cảm nhận mình mới đi được nửa đường trên con đường hoàn thiện. Anh còn muốn tiến xa hơn, đó là "được sự sống đời đời làm gia nghiệp." Thế nhưng thiện chí của anh mới chỉ được nửa vời: Khi nghe Chúa nói về bước tiến quyết liệt để đạt được điều đó thì anh đã "sa sầm nét mặt" và rút lui. Mà lý do chỉ là "vì anh ta có nhiều của cải"!
Mời Bạn: Muốn nên hoàn thiện phải dám từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Trong những hoàn cảnh xuôi thuận, chúng ta có thể tỏ ra mình là người ngoan đạo. Thế nhưng khi gặp tình huống phải lựa chọn: nếu muốn trung thành với niềm tin, với Tin Mừng, chúng ta phải từ bỏ một số những thuận tiện hay quyền lợi nào đó, liệu chúng ta có tránh được thái độ "sa sầm nét mặt" đáng tiếc này không?
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm nào về "thiện chí nửa vời" như vậy trong đời sống đạo không? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm sống theo đòi hỏi của Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, dù cho bị thiệt thòi, mất mát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có gì là của con mà không bởi do Chúa ban cho, xin cho con luôn xác tín điều này để con luôn biết sống cho đi trọn vẹn theo ý Chúa muốn. Amen.
15/10/12 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Têrêxa, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 11,29-32
TIN VÌ ĐƯỢC YÊU MẾN
"Ông Giona đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy." (Lc 11,30)
Suy niệm: Con người ngày nay có thể lên tận cung trăng và xa hơn nữa, và tuyên bố rằng không thấy Thiên Chúa đâu cả! Giống như những người Pha-ri-sêu đòi dấu lạ để tin, dù đã thấy bao phép lạ Chúa làm, thế mà rốt cuộc, họ có tin đâu! Họ lại còn đòi Chúa làm dấu lạ theo ý thích của họ.
Đức tin là hồng ân Chúa ban, cùng với đáp trả của con người, cách tự do khiêm tốn, cởi mở, không thành kiến. Không cần đến những quảng cáo rầm rộ phô trương, chính cuộc Nhập Thể, cái chết và sống lại của Đức Giêsu đã là một phép lạ lớn lao, phép lạ của tình yêu, có thể biến đổi cuộc sống của những ai tin, và dám sống hết mình với niềm tin ấy.
Mời Bạn: Tục hoá và mê tín là hai thái cực của cùng một thái độ phủ nhận Thiên Chúa. Chỉ tin vào hiệu năng của khoa học kỹ thuật hay đòi hỏi phải có phép lạ để tin đều là những cản trở khiến người ta không thể cảm nhận được mầu nhiệm. Bạn biết không, phép lạ vẫn diễn ra hằng ngày trong đời bạn, trong thế giới. Cần những phút thinh lặng để lắng nghe và nhận ra Thiên Chúa đang bày tỏ lòng yêu thương bạn.
Chia sẻ: Làm sao để sự tiến bộ về vật chất không làm cho đời sống đức tin của bạn phai nhạt đi?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để thờ phượng Ngài trong tâm tình con thảo, không yêu sách, đặt điều kiệm với Chúa rồi mới tin Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có trái tim rộng mở, luôn biết nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Chúa để sống xứng đáng với ơn được làm con Chúa. Amen.
16/10/12 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Hétvích, nữ tu
Lc 11,37-41
LÀM ĐẸP CẢ TRONG LẪN NGOÀI
Đức Giêsu nói: "Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người." (Lc 11,40-41)
Suy niệm: Ca dao Việt Nam nói rằng: "Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người". Quả thật, người ta có thể đo đạc được biển sâu, núi cao, kể cả những ngôi sao xa lắc xa lơ, nhưng lại không có máy móc chuyên dụng nào để đo lòng người. Lòng người thật khôn dò, thật rắc rối và cũng thật bí hiểm. Vì thế, đã có lắm trường hợp vì tin người mà phải thiệt của, hay thậm chí thiệt thân. Thế nhưng, người ta quên rằng đối với Đấng đo được lòng người, dù ta có ngụy trang khéo léo đến đâu, Ngài vẫn nhìn thấy thấu suốt. Đức Giêsu nhắc ta nhớ rằng Đấng ấy là Thiên Chúa, và Ngài mong muốn ta, bên cạnh việc cố gắng làm đẹp phong cách bên ngoài, cũng hãy quan tâm thanh tẩy tâm hồn bên trong khỏi những tư tưởng ô uế, gian tà.
Mời Bạn: Chú ý đến việc làm đẹp nội tâm bằng hai cách : 1/ Loại trừ những tư tưởng ích kỷ, chỉ tìm niềm vui cho mình. 2/ Nuôi dưỡng tâm tình yêu mến, quảng đại.
Chia sẻ: Bạn có thấy mình thường tìm cách làm đẹp phong cách, dáng vẻ bên ngoài, mà ít quan tâm đến việc làm đẹp tâm hồn bên trong không?
Sống Lời Chúa: Hằng ngày bạn chăm sóc cho thân thể được sạch sẽ, xinh đẹp, bạn cũng nhớ thanh tẩy tâm hồn khỏi những tư tưởng, ước muốn bất xứng và làm đẹp nó bằng ân sủng Chúa nhé.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cả thân xác bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong. Xin giúp chúng con tìm cách tô điểm cho cả hai được tốt đẹp, trươc mặt Chúa và người khác.
17/10/12 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo
Lc 11,42-46
SỐNG CÔNG BẰNG YÊU THƯƠNG
"Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa." (Lc 11,42)
Suy niệm: "Không ít bạn trẻ vì muốn 'long lanh' hơn dưới mát bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại 'nước sơn' vật chất dễ dàng 'bong tróc'," Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/9 vừa qua. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng hiệu, xe đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v... để khẳng định mình là đẳng cấp khác biệt, là sành điệu. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu hướng chuộng hình thức, làm đầy đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người thấy: đi nhà thờ đều đặn, thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái... nhưng bên trong tâm hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn tình yêu thương và đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo, khinh người, đối xử bất công với đồng loại... Chúa đã lên án lối sống vụ hình thức đó, và đề cao một lối sống công bình và yêu thương phục vụ.
Mời Bạn: Biết bao lần bạn đã vô tình hay cố ý chạy theo trào lưu xã hội chuộng hình thức bên ngoài; còn việc sống đạo thì chỉ dừng lại ở mức tối thiểu: làm cho vừa đủ những điều khoản luật buộc mà thôi. Nếu như thế bạn đã bỏ quên căn tính cốt lõi của lề luật là công bình và yêu thương rồi đó.
Sống Lời Chúa: Xác tín việc thực thi công bình và phục vụ trong yêu thương là cốt lõi của việc sống đạo và loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen.
18/10/12 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
SỨ GIẢ TIN MỪNG
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít! Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về." (Lc 10,2)
Suy niệm: Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo như những thợ gặt trên cánh đồng lúa. Lúa đã chín vàng, mùa gặt đã đến, nhưng lại thiếu thợ gặt! Những người thợ này phải xin thêm thợ gặt mới bằng lời cầu nguyện. Thợ gặt của cánh đồng truyền giáo phải đối diện với hiểm nguy "như chiên giữa bầy sói;" phải thanh thoát với mọi liên hệ và của cải thế tục "bao bị, túi tiền, giày dép..." phải phó thác, tùy thuộc vào lòng hiếu khách của những người đón nhận mình. Hành trang và sứ mạng chính yếu là trao ban bình an của Thiên Chúa, năng quyền chữa lành bệnh tật, và loan báo triều đại Nước Trời.
Mời Bạn: Thánh Luca là một thầy thuốc, nên qua sách Tin Mừng của ngài, bạn có thể nhận thấy ngài rung cảm trước những khổ đau nơi thân xác con người. Ngài được tặng danh hiệu "văn sĩ ca tụng lòng nhân từ và khoan dung của Đức Kitô." Qua thánh sử Luca, Tin Mừng được truyền đạt cho mọi người và khắp mọi nơi. Hôm nay bạn cũng được mời gọi viết nên cuốn Tin Mừng mới trong bậc sống của mình "để nên lời ngợi ca, cho hiển vinh danh Ngài".
Chia sẻ: "Trước khi gieo vãi hạt giống Tin Mừng, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng" (Đức Cha Lambert de la Motte). Bạn và cộng đoàn của bạn có kinh nghiệm nào cụ thể về sứ mạng này?
Sống Lời Chúa: Bắt đầu từ hôm nay, tôi cầu nguyện cho một người thân quen được ơn nhận biết Chúa.
Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài: "Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành..."
19/10/12 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. Phaolô Thánh giá, linh mục
Lc 12,1-7
KHÔNG THỂ CHE GIẤU!
"Không có gì che giấu mà không bị lộ ra." (Lc 12,2)
Suy niệm: Khi nhắc đến Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhiều người sẽ nhớ câu nói của ngài: "Đừng sợ!" Ngài đã lặp lại lời của Chúa Giêsu để củng cố đức tin, nung nấu niềm hy vọng cho các Kito hữu. Thế nhưng, bản tính yếu nhược của chúng ta là vẫn cứ sợ. Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ này. Ngài nói với chúng ta: "Đừng sợ" sống theo Lời Chúa thì đi ngược dòng đời, đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác! "Đừng sợ" vì Thiên Chúa, Đấng có toàn quyền trên xác hồn của ta, lại là Cha nhân hậu, yêu thương săn sóc quan phòng. Nhỏ bé, không có giá trị gì như chim sẻ còn được Chúa chăm sóc, huống chi con người. Ngay cả bao nhiêu sợi tóc của con người cũng được Ngài đếm cả rồi!
Mời Bạn: "Không có gì che giấu mà không bị lộ ra." Bạn có tin lời đó của Chúa Giêsu không? Một việc sai trái, bạn có thể che giấu trước mặt mọi người, nhưng có một người biết rõ bạn, đó là Chúa. Chúa biết mọi sự, nhưng cách sửa lỗi của Chúa là dùng lời của Ngài mời gọi chúng ta đến với chân lý, yêu chuộng lẽ phải, thuộc về sự thật. Bạn có dám "liều mình" một lần nói hết những nỗi sợ cho Chúa không?
Chia sẻ: Những thiệt hại nào xảy đến với tôi, khi tôi sống trong sợ hãi?
Sống Lời Chúa: Một trong những cách giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi là nói sự thật về mình với Chúa nơi tòa giải tội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! người ta đã tìm cách giết hại người rao giảng Lời Chúa, nhưng Lời ấy hôm nay vẫn đến được với chúng con. Quả thật, không có gì che giấu mà không bị lộ ra. Xin cho chúng con mạnh dạn sống theo Lời Chúa dạy, để không còn sợ hãi. Amen.
20/10/12 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12
GIAN NAN CHO NIỀM TIN
"Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền... trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói." (Lc 12,11-12)
Suy niệm: Trong Tự Sắc "Cánh Cửa Đức Tin," Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nói: "Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành giữa những cuộc bách hại trần thế và những an ủi của Thiên Chúa, loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Ngài đến." Hôm nay chúng ta đã bước vào Năm Đức Tin, Chúa Giêsu nhắc nhở rằng chúng ta vẫn luôn trải qua những gian nan cho niềm tin của mình. Nhưng có Chúa nâng đỡ và phù trì, sự gian nan khốn khố ấy không làm chết nghẹt đức tin và lòng cậy của chúng ta. Vậy, chúng ta hãy can đảm đối đầu, chấp nhận chịu đựng gian nan khốn khó vì Chúa và vì Tin Mừng, đó là bằng chứng niềm tin hùng hồn và tình mến nồng nàn đối với "Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì tôi" (Gl 2,20).
Mời Bạn: Để loan báo Tin Mừng cho Nước Chúa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải hy sinh, từ bỏ. Cho nên, khi chấp nhận hy sinh của cải, danh dự, sự nghiệp hay từ bỏ thói hư tính xấu dù phải thiệt thòi, thiệt thân, chính lúc đó đức tin của chúng ta được vững mạnh và vẹn toàn. Bạn hãy can đảm vượt lên trên những khốn khó đó để vững vàng xưng Đạo Chúa ra trước mặt thiên hạ.
Chia sẻ: Gia đình, nhóm, hội đoàn, hội dòng của tôi dự tính canh tân đời sống thế nào để sống Năm Đức Tin?
Sống Lời Chúa: Hãy sống "ba không" trong Năm Đức Tin này: Không gian dối, không tham lam và không ích kỷ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp và làm cho chúng con thành những chứng nhân của một Thiên Chúa trọn tốt trọn lành vô cùng. Amen.
21/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – B
Khánh Nhật Truyền Giáo
Mc 10,35-45
NÉT ĐẸP TRUYỀN GIÁO
"Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,45)
Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay – Chúa Nhật 29 thường niên B - có thể sử dụng để suy niệm về một nét đẹp khác nữa của việc truyền giáo hiện nay: Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên Chúa Cha gởi đến trần gian để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mục tiêu của Ngài là phục vụ. Trước hết là phục vụ Tin Mừng, sau là phục vụ mọi người để Tin Mừng được sáng tỏ. Nói cách khác, Chúa Giêsu trở nên chứng tá của Tin Mừng qua cung cách phục vụ, chứ không chỉ nói suông. Đây là một nét đẹp của truyền giáo. Truyền giáo là làm sao cho mọi người nhìn nhận Tin Mừng của Thiên Chúa và làm cho họ biết phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhau, xây dựng Nước Chúa thấm đẫm tinh thần hy sinh, bác ái. Bao lâu Kitô hữu còn để mình được phục vụ mà không phục vụ người khác thì Tin Mừng khó có cơ may bén rễ và phát triển trên thế gian này.
Mời Bạn: Bạn đã và đang chứng kiến bao nhiêu tu sĩ, tín hữu cúi xuống để tận tuỵ chăm sóc các bệnh nhân, bao nhiêu người thiện chí không ngại chấp nhận nguy hiểm để dấn than cho công bình xã hội, chăm sóc giáo dục cho bao trẻ em bị bo rơi... Những con người này chắc chắn ít nhiều đang làm thay đổi não trạng thế tục và thực dụng của con người ngày nay, muốn coi cuộc sống đời này như một cơ hội để giành giật những mối lợi cá nhân, những sở hữu riêng tư.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái phục vụ cụ thể để loan báo Tin Mừng nơi môi trường bạn đang sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, "xin cho con biết mến yêu và phục vụ Chúa trong mọi người." Amen.
22/10/12 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Lc 12,13-21
CỦA CẢI ĐÍCH THỰC
"Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam." (Lc 12,15)
Suy niệm: Một trong những cám dỗ thường tình của con người là tiền bạc của cải. Ai cũng hám của cải, bạc vàng: không có thì ước cho có, có ít thì mong có nhiều, có nhiều lại muốn nhiều hơn, thật là "lòng tham không đáy"! Chúa Giêsu nhiều lần cảnh giác mọi người về việc sở hữu và sử dụng của cải. Ngài dạy thái độ phải có khi đứng trước tiền bạc: không ham hố; bằng lòng với hoàn cảnh của mình; biết sử dụng của cải để mua Nước Trời; biết sẻ chia cho người không có; không dính bén tiền bạc; không tôn thờ nó như là chúa của mình.
Mời Bạn: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày." Bạn đừng để lời cầu nguyện trên đi ngược với thực tế, tức là miệng thì cầu xin như vậy, mà lòng lại quá bận tâm với việc tìm kiếm cơm-áo-gạo-tiền. Hãy tin rằng Chúa là Cha nhân lành sẽ quan phòng chăm nom mọi sự vật chất cần thiết cho ta.
Chia sẻ: Xã hội Việt nam còn quá nhiều người thiếu cơm ăn, áo mặc. Người Kitô hữu có nghĩa vụ chia sẻ của cải vật chất cho anh em. Hãy sống theo gương các tín hữu thuở ban đầu: "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu" (Cv 2,44-45).
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi vui vẻ và mau mắn chia sẻ vật chất hay tiền bạc cho người anh em túng nghèo, vì xác tín rằng đang làm điều ấy cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng cơn cám dỗ về bánh ăn trong sa mạc. Xin giúp chúng con thoát khỏi sự ham hố của cải trần gian, tin rằng Nước Trời mới là của cải vĩnh hằng, và Chúa thật là gia nghiệp vĩnh cửu của con.
23/10/12 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Gioan Capétranô, linh mục
Lc 12,35-38
TỈNH THỨC SẴN SÀNG
"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay." (Lc 12,35-36)
Suy niệm: Người Do-thái thường tổ chức tiệc cưới lớn, ăn uống dây dưa suốt mấy ngày đêm, có khi kéo dài cả tuần lễ. Vì thế, ngồi đợi chủ đi ăn cưới trở về không phải chuyện dễ. Có thể chủ về nửa đêm hay giữa ban ngày, có thể ông về khi đầu hôm hay lúc tảng sáng. Nhất là khi chủ đi ăn cưới xa thì không biết ngày nào ông mới về và về giờ nào. Do đó, muốn đợi chủ đi ăn cưới về thì phải sẵn sàng dầu đèn, tư thế sẵn sàng để phục vụ. Phong thái này, người ta vẫn thường nói tới như là tư thế sẵn sàng, sống trong tỉnh thức. Nghĩa là, bất cứ khi nào Chúa đến, con người ấy vẫn luôn sẵn sàng đón Ngài.
Mời Bạn: Chúa Giêsu muốn những ai tin Ngài đều sống với tinh thần này, sẵn sàng chờ Ngài lại đến. Ngài sẽ đến bất chợt như ông chủ đi xa trở về. Vì chẳng ai biết được vào ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến, nên chúng ta được mời gọi sống tỉnh thức, sẵn sàng chờ đón Chúa mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống chúng ta.
Chia sẻ: Chia sẻ một kinh nghiệm sống tỉnh thức, cách thực hành cụ thể nào đã làm để chứng tỏ sự sẵn sàng chờ Chúa.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay tôi sống tỉnh thức bằng cách chu toàn các việc bổn phận đạo đức (thánh lễ, đọc kinh...) và đời thường (lao động, việc gia đình...) một cách chu đáo, tốt đẹp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Cứu thế, giờ này đây, xin hãy đến và gõ cửa hồn con. Xin thúc đẩy lòng con để con ao ước Chúa đến mỗi ngày. Xin Chúa đến và ở lại với con, ngõ hầu con được ở với Chúa và để con luôn có Chúa ở trong con. Amen.
24/10/12 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. Antôn Maria Clarét, giám mục
Lc 12,39-48
ĐEM ĐỜI VÀO ĐẠO, ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI
"Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : 'Còn lâu ông chủ mới về,' thế rồi hắn bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Chủ hắn sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, ông sẽ tống cổ hắn đi, bắt chung số phận với những tên phản bội." (Lc 12,45-46)
Suy niệm: Hiện diện như không hiện diện, có vẻ đang vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế tế nhị Chúa dùng để giúp ta trưởng thành. Vì thế, lúc nào Chúa cũng có mặt trong cuộc đời ta, nhưng một cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng này! Ta thường chia cuộc đời thành nhiều ô hộc, đời và đạo không hề dính líu, quan hệ gì với nhau: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô hộc đọc kinh, v.v... còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có mặt một cách mơ hồ, như ô hộc lao động, ô hộc sinh hoạt hằng ngày, ô hộc nghỉ ngơi... Trong những ô hộc này, ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chơi chỗ khác cho mình dễ làm ăn!
Mời Bạn: Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn... Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.
Sống Lời Chúa: Để luôn nhớ của Chúa hiện diện, bạn hãy: 1) đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như gia đình, lao động, học hành... 2) và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn của đời thường trong thánh lễ, kinh nguyện ...
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh chúng con, nhưng bằng cách vô hình, kín đáo, để giúp chúng con trưởng thành. Xin cho chúng con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.
25/10/12 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Lc 12,49-53
BÙNG CHÁY NGỌN LỬA "GIÊSU"
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên." (Lc 12,49)
Suy niệm: "Vũ khí mạnh nhất của thế giới là ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn con người" (Thống chế Foch). Lửa mà Đức Giêsu ném vào mặt đất và muốn bùng lên trong tâm hồn con người là lửa nào? Thưa là lửa từ Trái Tim của Ngài: lửa yêu mến Chúa Cha, lửa yêu thương không giới hạn với con người. Vì lửa tình yêu ấy, Ngài đã tự hủy, từ trời xuống thế làm người. Là lửa nhiệt thành của Chúa Thánh Thần Tình Yêu bùng cháy lên trong tâm hồn các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống, ngọn lửa sưởi ấm trái tim nguội lạnh hai môn đệ trên đường Emmau sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh. Đó cũng là ngọn lửa thanh luyện ta khỏi những cặn dơ của tính hưởng thụ ích kỷ, thói tôn sùng cái tôi.
Mời Bạn: Để ngọn lửa tình yêu, nhiệt thành ấy có thể bùng cháy lên trong trái tim, bạn cần -như Đức Giêsu- phải dìm sâu trong trong một kinh nghiệm kinh khủng: từ bỏ mình, từ giã ý riêng, từ biệt một số sở thích cá nhân. Vượt qua kinh nghiệm kinh khủng này, với trái tim bùng cháy lửa "Giêsu," bạn có thể làm được cả những điều tưởng như ngoài tầm tay của mình.
Chia sẻ: Lửa "Giêsu" còn bùng cháy trong nhóm, hội đoàn, hội dòng... của bạn không, hay đã lụi tàn?
Sống Lời Chúa: Từ hôm nay tôi sẽ làm bùng cháy lên lửa "Giêsu" nơi trái tim mình bằng cách từ bỏ một sở thích không hợp với tinh thần Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong ước ngọn lửa yêu thương, nhiệt thành bùng cháy lên trong cộng đoàn chúng con. Xin cho trái tim chúng con bùng cháy lửa yêu thương, nhiệt tình ấy qua cung cách sống mỗi ngày. Amen.
26/10/12 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Lc 12,54-59
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
"Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?" (Lc 12,56)
Suy niệm: Chúng ta lắm khi bỏ quên hiện tại chỉ vì mải tiếc nuối, mơ mộng về một quá khứ vàng son. Điều vẫn thường xảy ra nhiều hơn đó là chúng ta vẫn nhìn vào hiện tại nhưng lại không đọc ra dấu chỉ của nó để thấy được những bài học, chỉ dẫn cho tương lai. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên tình trạng đó nhưng trong lĩnh vực tinh thần và siêu nhiên. Người ta biết quan sát trời trăng, nắng gió để đoán định thời tiết, biết khảo sát thị trường để hoạch định việc sản xuất làm ăn. Thế nhưng trước những "dấu chỉ của thời đại" thì người ta lại không đọc ra ý nghĩa của chúng; và nhất là không nhận ra được thánh ý Chúa nơi những dấu chỉ đó.
Mời Bạn: Dấu chỉ của thời đại ngày nay có nhiều. Có thể kể ra một số: a/ dấu chỉ tích cực: khao khát sự thật, hoạt động cho công bằng xã hội của lớp người trẻ...; b/ dấu chỉ tiêu cực: chiến tranh sắc tộc, thiên tai, giá trị đạo đức suy đồi, khuynh hướng tục hoá, hưởng thụ... Những dấu chỉ đó có thể khích lệ ta mà cũng là lời cảnh báo ta. Chúng ta không lạc quan "tếu" trước những dấu chỉ tích cực và cũng không quá bi quan vì những tín hiệu tiêu cực. Quan trọng là "biết nhận xét" đúng-sai, lợi-hại. Cần soi rọi chúng dưới ánh sáng Tin Mừng; việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày sẽ giúp chúng ta đạt được điều đó.
Sống Lời Chúa: Trong giờ suy niệm Lời Chúa, bạn nhìn lại một biến cố vừa xảy đến cho bạn và suy xét Chúa muốn nói gì với bạn qua biến cố này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.
27/10/12 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Lc 13,1-9
CƠ HỘI ĐỂ SÁM HỐI
"Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy." (Lc 13,5)
Suy niệm: Gần đây báo chí tường thuật nhiều trường hợp cái chết "từ trên trời rơi xuống:" những chiếc "xe điên" bỗng dưng mất lái đâm thẳng vào nhà dân, gây thương tích, tử vong cho nhiều người. Dân gian dễ lấy quan niệm "ác giả ác báo" để qui kết những người bị nạn hoặc thậm chí cha ông họ đã ăn ở thất đức nên mới bị "quả báo nhãn tiền" như vậy. Lời Chúa hôm nay cũng thuật lại thái độ tương tự của người Do Thái đối với những người "chết oan" trong hai biến cố thời sự: Họ cho rằng hẳn là những người gặp nạn đó bị Chúa trừng phạt vì họ tội lỗi hơn những người khác. Chúa Giêsu bác bỏ lối lý giải kiểu "quét rác sang nhà hàng xóm" đó và mời gọi mỗi người phải coi những biến cố như vậy như một lời cảnh báo, một cơ hội để sám hối, vì "nếu không chịu sám hối thì cũng sẽ chết như vậy."
Mời Bạn: Một nhà thơ đã nói: "Mỗi cái chết của một người khác là một tiếng chuông báo trước cho bạn biết về tương lai của chính mình". Mọi biến cố xảy ra đều là những lời nhắc nhở chúng ta luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất đó bằng cách sống một đời sống tốt: Đó là luôn sống hết mình cho công việc mà bạn đang đảm trách trong giây phút hiện tại này.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút cuối ngày để kiểm điểm và sám hối vì những lỗi lầm và để quyết tâm sửa đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, sám hối không phải là điều dễ dàng bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin Chúa giúp chúng con biết hoán cải thực sự để dám chấp nhận những cắt tỉa đớn đau và những hành động sửa lỗi cụ thể.
28/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – B
Mc 10,46-52
NHÌN BẰNG CẶP MẮT ĐỨC TIN
"Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! " (Mc 10,47-48)
Suy niệm: Không phải vô cớ mà có người nói: Cần phân biệt thị giác và thị lực! Quả thật, lắm khi các bộ phận của thị giác có đầy đủ nhưng người ta 'nhìn' mà vẫn không 'thấy', hoặc thị lực lại có vấn đề nên chỉ thấy những hình ảnh mập mờ, méo mó. Ngược lại có người mắt mù nhưng lại 'thấy' tinh tường hơn cả người sáng mắt, bởi vì họ nhìn với cả trí óc và con tim. Anh mù Batimê là một trong số những người đó: Anh 'nhìn' bằng đôi tai thay cho cặp mắt để nghe biết người đang đi qua đời anh "đó là Đức Giêsu Nadarét." Và nhờ 'cặp mắt đức tin' anh 'thấy' Đức Giêsu Nadarét chính là "Con Vua Đavít" có quyền năng chữa lành anh. Được Chúa gọi tới, anh đã nói lên nỗi khao khát của anh: "Xin cho tôi được thấy." Và Chúa đã đáp lời: "Đức tin của anh đã cứu chữa anh!"
Mời Bạn: Nhìn bằng cặp mắt đức tin là cái nhìn 'thấy' được Thiên Chúa trong mọi sự và 'thấy' được mọi sự trong Chúa. Đó là cái nhìn của Đức Kitô, cái nhìn đầy lòng thương xót, biết nhạy bén cảm thông những nỗi niềm của anh em; đó là cái nhìn bao dung, nhẫn nại để loan báo sứ điệp của Chúa "hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
Sống Lời Chúa: Kiểm tra thị lực thiêng liêng của mình bằng cách xét mình: Trong việc này, việc khác, tôi có nhìn bằng cái nhìn của Đức Kitô không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đôi mắt tâm hồn con được sáng, để con thấy Chúa là tất cả, thấy anh em mình thật dễ thương, dễ mến và thấy con càng nhỏ bé đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.
29/10/12 THỨ HAI TUẦN TN
Lc 13,10-17
ĐỨC ÁI: LINH HỒN CỦA LỀ LUẬT
"Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?" (Lc 13,17)
Suy niệm: Chứng kiến phép lạ Chúa làm, và nhất là nghe câu trả lời của Chúa, không chỉ người đàn bà bị còng lưng được Chúa chữa lành mới vui mừng, mà dân chúng cũng hân hoan, bởi vì cả họ nữa, họ cũng được giải thoát khỏi những trói buộc ngặt nghèo của những người canh giữ lề luật. Ngược lại, viên trưởng hội đường bị đặt vào một vị thế khó chịu: ông này "tức giận và hổ thẹn" vì Chúa vạch rõ một lẽ phải hết sức hiển nhiên của lòng nhân ái mà ai ai cũng đều thấy rõ chỉ trừ một mình ông. Quả thế, bò lừa còn được các ông dẫn đi uống nước trong ngày sabát, phương chi là người con gái của Abraham, một người chị em với ông, đã bị trói buộc 18 năm: tại sao phải nấn ná đợi chờ? Không phải vì ông không có khả năng hiểu được điều này; nhưng ông chỉ biết khư khư giữ luật mà quên mất cứu cánh và linh hồn của lề luật là bác ái. Vì óc nệ luật mà ông trở nên tàn nhẫn trước nỗi đau của người đồng loại và người chị em của mình.
Mời Bạn: Thiếu tình bác ái còn có thể dẫn đến những hậu quả nào nữa trong đời sống đạo, trong tương quan với người khác?
Chia sẻ: Luật bác ái được Chúa dạy ở những nơi nào nữa trong Kinh Thánh?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, chẳng hạn viếng thăm hoặc giúp đỡ một ai đó cách kín đáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng Toàn Ái, Chúa đã dạy chúng con: yêu thương là chu toàn lề luật, xin ban cho chúng con những ơn cần thiết và sức mạnh để sống đức ái với anh chị em con.
30/10/12 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
LÀ MEN TRONG BỘT
"Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho tới khi tất cả dậy men." (Lc 13,21)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó "giống như chuyện nắm men trong bột": Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.
Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở gia đình, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp, v.v... mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Là men trong bột, sứ mạng của người môn đệ Chúa Kitô là thực thi giáo huấn Tin Mừng ngay trong những bổn phận của mình tại gia đình, trong môi trường học hành làm việc hằng ngày của mình.
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm hằng ngày để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,... xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con.
(Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ, tr 5-6)
31/10/12 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30
CHỌN CỬA HẸP
"Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào." (Lc 13,24)
Suy niệm: Chúng ta thường chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng, những bộ vía "hoành tráng" hơn là phẩm chất của cuộc sống. Chẳng hạn: lãnh đạo các nước thích nói đến tăng trưởng GDP bình quân hằng năm, hơn là chú tâm làm cho chất lượng hạnh phúc của đời sống dân chúng tiến triển theo năm tháng. Không lạ gì Đức Giêsu không trả lời câu hỏi có nhiều hay ít người được vào Nước Trời nhưng chỉ quan tâm nhấn mạnh điều kiện, phẩm chất để được vào Nước Trời. Với Ngài, cửa rộng thêng thang, con đường hưởng thụ thoải mái dễ chịu là con đường đưa đến sự hư mất. Trái lại, cửa hẹp của đời sống kỷ luật, nỗ lực hy sinh, chiến đấu với bản năng, sự ích kỷ lại là con đường đưa đến nguồn vui, hạnh phúc vĩnh cửu.
Mời Bạn: Bạn cũng thích cửa rộng của sự hưởng thụ, dễ dãi với bản thân, chạy theo những thú vui mau qua của trần thế hơn là cửa hẹp của lối sống đạo đòi hỏi sự quên mình, khổ chế, vác thập giá mỗi ngày. Mong rằng Lời Chúa hôm nay thức tỉnh bạn để bạn vui vẻ và hạnh phúc khi chọn sống theo cửa hẹp.
Chia sẻ: Đâu là cửa rộng nhóm bạn cần loại bỏ và cửa hẹp cần phát huy?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chọn "cửa hẹp" trong việc sử dụng của cải, tiện nghi, hưởng thụ để bớt đi sự ích kỷ và thêm lòng quảng đại quên mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đi vào cửa hẹp của sự từ bỏ, vì cửa rộng thênh thang của sự dễ dãi, nuông chiều thân xác đưa chúng con đến chỗ hư mất linh hồn. Xin giúp chúng con ghi khắc Lời Hằng Sống của Chúa, và vui vẻ thực hiện lối sống "cửa hẹp" trong sinh hoạt hằng ngày của chúng con. Amen.
Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét