01/02/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 TN
Mồng Hai Tết, kính nhớ tổ tiên
Mt 15,1-6
Mồng Hai Tết, kính nhớ tổ tiên
Mt 15,1-6
“Ngươi
hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.” (Mt 15,4)
Suy
niệm: Trong những ngày xuân vui tươi,
ta muốn mọi thành viên gia đình hiện diện sum họp, kể cả những
người đã khuất: Ba mươi đón rước ông bà, sau ba ngày Tết
tiễn ra tới đường. Những ngày đầu Năm Mới phải ưu tiên dành để gần gũi,
quây quần bên cha mẹ: Mồng một thì ở nhà
cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy. Với người Việt Nam, cha mẹ được đặt
trên cả thầy, khác với quan niệm của nhà Nho. Tâm tình của người con hiếu thảo
là kính trọng, chăm sóc, ghi nhơ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ khi còn sống
hay đã qua đời: Mỗi đêm mỗi thắp đèn
trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha
mẹ không gì sánh được: Lên non mới biết
non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Mời
Bạn: Tổ tiên ông bà cha mẹ là những
người đã góp phần với Chúa trong công cuộc tạo dựng nhân loại. Các ngài là
những mắt xích trong công cuộc cao quý này. Trong ngày đầu xuân, mời bạn dành
những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm cho ông bà cha mẹ của mình, dù các ngài
còn sống hay đã qua đời.
Sống
Lời Chúa: Tôi tham dự thánh lễ cầu nguyện
cho tổ tiên, ông bà cha mẹ của mình, đi viếng mộ những người đã khuất, và thăm
viếng những người còn sống. Năm mới tôi quyết tâm sẽ thảo hiếu, quan tâm đến
các ngài nhiều hơn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, chúng
con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con có được tổ tiên, ông bà cha mẹ sinh thành,
dưỡng dục mình. Các ngài cũng là những mẫu gương sống động về niềm tin vào
Chúa. Xin cho chúng con luôn biết hiếu thảo với các ngài. Amen.
02/02/14 CHÚA NHẬT TUẦN 4
TN – A
Mồng Ba Tết, thánh hoá công ăn việc làm
Mt 25,14-30
Mồng Ba Tết, thánh hoá công ăn việc làm
Mt 25,14-30
ĐỪNG
KHÔN HƠN CHỦ
“Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải
mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa
một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.”
(Mt 25,14-15)
Suy
niệm: Khi giao tài
sản cho đầy tớ, ông chủ không hề nghĩ đến
tiền bạc vật chất, mà chỉ nhắm đến con người các đầy
tớ của ông. Ông muốn họ trở thành người hữu dụng. Có thể gởi tiền ở ngân hàng để
sinh lời, nhưng ông không muốn làm vậy, mà muốn tạo cơ hội cho các đầy tớ phát
triển khả năng. Thất bại của người lãnh một yến là không tin tưởng ông chủ, trong
khi ông chủ vẫn tin tưởng anh. Chủ giao phó tài sản cho
anh, còn anh “đổ thừa” tại ông chủ khắc nghiệt
“gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.” Lý lẽ biện minh của anh không đủ
sức thuyết phục; anh đã tự loại mình, và chịu số phận của những “đầy tớ xấu xa và biếng nhác”.
Mời
Bạn: Khi dựng nên
con người, Thiên Chúa không muốn họ ăn không ngồi rồi, mà đặt vào vườn Địa Đàng “để cày cấy
và canh giữ đất đai” (St 2,15).
Như thế, lao động thuộc về bản tính con người, vì đã được Thiên Chúa ấn định
ngay từ khi tạo dựng. Nhờ lao động, con
người được phát
triển, và cũng
nhờ lao động mà con người trở nên giống Thiên Chúa: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Sống
Lời Chúa: Tôi không thất vọng
về những gì hiện có, nhưng tận dụng tất cả khả năng Chúa ban để phát triển chúng qua việc phục
vụ Chúa và tha nhân.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, tổ tông loài người bị loại khỏi vườn Địa
Đàng, vì không
trung tín như tôi tớ, mà muốn làm chu. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và làm việc như tôi tớ khôn ngoan và trung tín.
Amen.
03/02/14 THỨ HAI TUẦN 4 TN
Th. Angariô, giám mục
Mc 5,1-20
Th. Angariô, giám mục
Mc 5,1-20
LOAN TIN MỪNG CHO THÂN NHÂN
“Anh
cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh,
và Người đã thương xót anh thế nào.” (Mc 5,19)
Suy
niệm: Hoàn cảnh của người bị quỷ ám xứ
Ghêrasa là cực kỳ bi đát. Quỷ ô uế làm cho anh ra thân tàn ma dại: anh lang
thang nơi mồ mả; anh hung dữ đến độ xiềng xích anh cũng bẻ gãy; anh “tru tréo và lấy đá rạch mình”. Thế
nhưng, Chúa đã dùng quyền năng giải cứu anh khỏi ách thống trị của quỷ. Ai có
cảm nghiệm được nỗi thống khổ của anh thì mới hiểu được niềm hạnh phúc của anh
khi được giải thoát. Và nhất là hiểu niềm tri ân sâu xa của anh muốn đi theo
Ngài để đền ơn cứu mạng. Thế mà lạ thay, Chúa lại nói anh trở về với thân
quyến, nhưng lần này trở về như một con người mới và với sứ mạng loan báo cho
người thân của mình biết quyền năng Chúa và lòng thương xót của Ngài.
Mời
Bạn: Không phải cũng được ơn gọi đi
tu. Nhưng ai cũng được Chúa yêu thương
cứu độ. Có biết bao người thân của chúng ta chưa từng được biết Chúa Giêsu,
chưa nhận ra tình yêu của Ngài dành cho họ. Tại sao bạn không bắt đầu loan báo
về Ngài cho người thân, cho bè bạn, cho người mình yêu thương nhất, để họ cũng
được hưởng trọn tình Chúa yêu thương?
Sống
Lời Chúa: Bạn thuật lại cho người thân của
bạn những cảm nghiệm đức tin, những hồng ân bạn đã nhận được như chứng từ đức
tin của bạn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa không giữ chúng con lại trong nhà thờ, nhưng sai chúng con đến với những
người thân trong gia đình, bè bạn, người láng giềng. Xin Chúa cho chúng con
luôn biết kể lại những điều tốt đẹp chúng con đã nhận lãnh bằng lời nói và việc
làm. Amen.
04/02/14 THỨ BA TUẦN 4 TN
Mc 5,21-43
Mc 5,21-43
BƯỚC
NHẢY CỦA ĐỨC TIN
Ngay lúc đó, Đức
Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám
đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”
(Mc 5,29)
Suy
niệm: Bệnh băng huyết là căn bệnh làm
cho con người luôn ở trong tình trạng suy kiệt về thể chất và nhơ uế theo luật
Môsê. Người bị bệnh này không được tiếp xúc với người khác, kẻo làm người khác
cũng ra nhơ uế. Bệnh tật nào cũng khổ nhưng với căn bệnh này thì cái khổ và cái
đau nhân lên gấp bội, nhất là mặc cảm về sự nhơ uế của mình. Người bệnh đã tốn
tiền tìm thầy chạy thuốc mà bệnh không thuyên giảm, lại còn nặng thêm. Chính
trong hoàn cảnh bị dồn đến chân tường, bệnh nhân đã quyết định: đặt niềm tin
vào tình thương của Chúa Giêsu. Bà tự nhủ: “Tôi
mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Bà đã thực hiện bước nhảy
của niềm tin: từ chỗ tuyệt vọng sang chỗ hy vọng, từ người xa cách trở thành kẻ
gần gũi với Ngài.
Mời
Bạn: Giữa đám đông chen lấn, chỉ có
con người đau khổ với bước nhảy của niềm tin đã thực sự chạm đến Đấng có năng
lực chữa lành. Giữa cuộc đời đầy sự chết chóc này, mời bạn thực hiện bước nhảy
của đức tin để chạm đến con người của Chúa Giêsu, để năng lực ban sự sống của
Ngài đem lại cho bạn sự sống thần linh của Ngài.
Sống
Lời Chúa: Tôi “chạm” đến Chúa, để tín thác
vào Ngài trong các việc nhỏ bé mỗi ngày, để hoàn toàn tín thác vào Ngài trong
bước nhảy lớn lao hơn của đức tin.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
con tín thác vào Chúa. Chúa luôn thương xót ban sức mạnh cho những ai chạm đến
con người Chúa bằng niềm tin. Xin cho chúng con chạm đến Chúa mỗi ngày bằng
bước nhảy của niềm tin. Amen.
05/02/14 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG
TUẦN 4 TN
Th. Agata, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,1-6
Th. Agata, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,1-6
CHÚA
LẤY LÀM LẠ, VÌ …
“Ngôn sứ có bị rẻ
rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc,
và trong gia đình mình mà thôi.”
(Mc 6,4)
Suy
niệm: Chúa Giêsu về quê, có các môn đệ
đi theo, và bắt đầu giảng dạy cho bà con ở quê nhà. Nhưng đay không có gì là
một cuộc “vinh qui” cả. Người ta ngạc nhiên nhận ra sự khôn ngoan của Ngài, và
trong đầu họ bật lên một loạt dấu hỏi. Chỉ tiếc là những hiểu biết và kinh nghiệm
vốn có của họ về “bác thợ Giêsu” đã dập tắt sự ngạc nhiên nơi họ và không cho
phép họ khám phá được gì xa hơn về Ngài. Ta thấy định kiến tai hại biết bao. Và đến lượt Chúa Giêsu ngạc nhiên về sự thiếu khả năng ngạc nhiên nơi những
người đồng hương của Ngài: “Ngài lấy làm
lạ vì họ không tin”.
Mời
Bạn: Hình dung vẻ ngạc nhiên của Chúa
Giêsu. Ngài đảo mắt nhìn quanh một lượt những người ngồi trong hội đường. Ngài
khẽ lắc đầu. Ngài nén một tiếng thở dài. Ngài “lấy làm lạ vì họ không tin.” Có phải đây cũng chính là hình ảnh
Chúa Giêsu đang nhìn bạn hôm nay?
Chia
sẻ:
Chúa Giêsu có thể đang “lấy làm lạ”
về những điều gì nơi bạn và nơi cộng đoàn của bạn?
Sống
Lời Chúa: Để có khả năng ngạc nhiên trước Chúa Giêsu và tin vào
Ngài, ta cần nhìn, lắng nghe và kinh nghiệm Chúa Giêsu một cách mới mẻ ở đây và lúc này, chứ đừng đóng chặt
Ngài trong bất cứ khuôn kinh nghiệm nào thuộc quá khứ. Đây là một việc đầy
thách đố, song đây cũng là bước quyết định của công cuộc Tân Phúc Âm hóa!
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con biết ra khỏi mình nhiều hơn để có thể đón nhận Chúa nhiều hơn. Xin
đừng để đức tin bé nhỏ của con bị chết ngạt bởi những định kiến. Amen.
06/02/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG
TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6,7-13
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6,7-13
KẾT
QUẢ CỦA SỰ VÂNG LỜI
Các ông đi rao giảng kêu gọi
người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người
đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (Mc 6,12-13)
Suy
niệm: Chúng ta có thể mường tượng niềm
vui lớn lao của các tông đồ sau khi đạt được những kết quả khả quan trong chuyến
truyền giáo. Chắc chắn đây là hoa trái nhờ việc các ông vâng theo lời của Thầy
mình. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có được những kết quả như
các tông đồ ngày xưa, nếu chúng ta biết vâng theo lời Chúa dạy. Xưa cũng như
nay, làm chứng cho Tin Mừng không bao giờ chỉ bằng lời nói, mà còn qua những hy
sinh cụ thể: “không giày dép, không bao
bị, không mũ nón.” Đó chính là những dấu chỉ thời đại hôm nay đang cần nơi
các Kitô hữu. Nếu mỗi Kitô hữu sống tinh thần siêu thoát ấy, ắt hẳn không ít
người được thoát khỏi vòng vây của quỷ ma, không người được ơn chữa lành.
Mời
Bạn: Bạn và tôi hôm nay đã quen với “đôi giày sức khỏe,” “mũ nón bằng cấp,” “bao
bị phương tiện” nên không dễ gì từ bỏ. Vậy bạn và tôi hãy quyết tâm không
lệ thuộc vào những thứ đó khi sống chứng tá cho Chúa, để quyền năng Thiên Chúa
được thực hiện qua sự thiếu thốn va cả yếu kém của chúng ta nữa.
Chia
sẻ:
Có
bao giờ bạn thấy vui khi vì danh Chúa mà mình bị thua thiệt trước người khác?
Nếu chưa thì hãy tập cho có tinh thần đó.
Sống
Lời Chúa: Tôi xác tín tinh thần vâng phục
và khó nghèo luôn cần thiết trong việc làm chứng cho Nước Trời trong mọi nơi và
mọi lúc.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên yếu hèn trước
mặt người đời để con được mạnh sức. Xin cho con cũng
biết sống thiếu thốn để anh chị em con được sung túc trước mặt Chúa. Amen.
07/02/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,14-29
Mc 6,14-29
CHỨNG
NHÂN CỦA CHÂN LÝ
“Ông
Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc 6, 16)
Suy
niệm: Ngày 25/05/2013, cha Giuseppe
“Pino” Puglisi, người công khai chống Mafia Ý và bị bắn chết vào năm 1993, được
nâng lên hàng chân phước. Ngài được nhìn nhận là vị tử đạo “vì lòng thù ghét nhân đức và chân lý” (in odium virtutis et veritas). Tử
đạo, theo truyền thống Kitô giáo, là người hy sinh mạng sống vì trung thành
làm chứng cho chân lý, cho Đức Kitô. Gioan Tẩy Giả được coi là tử đạo vì ngài
là vị Tiền Hô can đảm của Đức Kitô. Khi chỉ trích đời sống vô luân của vua
Hêrôđê: “Ngài không được phép lấy vợ của
anh ngài” (c. 18), Gioan đã bày tỏ tính trung trực và lập trường rõ ràng
của mình, dù biết rõ điều đó là nguy hiểm. Cả cuộc đời và cái chết của thánh
nhân đều phục vụ cho vai trò tiền hô ấy: hòa giải và “chỉnh đốn mọi sự” (Mc 9,13).
Mời
Bạn: Người môn đệ của Chúa Kitô không
thể sống trong sự nhập nhằng, mập mờ đánh lận con đen. Họ phải lựa chọn giữa
bình an thật và bình an giả tạo trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống của
mình. “Cởi mở với đời không có nghĩa là
dũa gọt những khía cạnh cứng rắn của đòi hỏi trong Tin Mừng, nhưng để đưa lại
cho thế giới những gì thành đạt cho con người, tức là sự gắn bó với Chúa Giêsu
Kitô” (A. Degeest).
Sống
Lời Chúa: Tôi tập làm môn đệ đích thực của
Chúa Kitô bằng cách ở lại trong Ngài qua việc suy niệm Lời Chúa, và nỗ lực áp
dụng Lời ấy vào đời sống thường ngày.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, thật
không dễ khi lội ngược dòng với thói đời. Xin ban thêm tình yêu và ân sủng Chúa
để nâng đỡ, hướng dẫn chúng con trong suy nghĩ, chọn lựa, lời nói và hành động
hợp với chân lý Tin Mừng. Amen.
08/02/14 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Th. Giêrônimô Êmiliani
Mc 6,30-34
Th. Giêrônimô Êmiliani
Mc 6,30-34
CẦU
NGUYỆN CHUNG VỚI NHAU
Vậy, thầy trò xuống thuyền đi
lánh riêng ra một nơi hoang vắng. (Mc 6,32)
Suy
niệm: Các học trò
của Chúa Giêsu đang làm việc lành phước đức thành công như thế, tại sao Chúa
Giêsu bắt các ông phải lánh riêng vào nơi hoang vắng? Chúa Giêsu sau một ngày
hoạt động đã chẳng lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện cùng Chúa Cha sao? Hẳn
là Thầy Giêsu cũng muốn các học trò theo sát mẫu gương của Thầy, cùng cầu
nguyện với Thầy. Bởi vì có cầu nguyện, kết hiệp với Chúa mới lắng nghe và biết
được ý Ngài. Có biết ý muốn của Chúa mới có thể hành động theo ý Ngài.
Cầu
nguyện giúp ta sống khiêm nhường và nhận ra mình là kẻ tội lỗi. Nhờ cầu nguyện
ta được ban sức mạnh để chiến đấu với tội lỗi và nhờ đó chúng ta có thể chiến
thắng tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta có được nguồn trợ lực thiêng liêng giúp ta yêu
Chúa và phục vụ anh em một cách chân thành.
Mời
Bạn: Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi “gia đình hãy cùng nhau cầu nguyện. Vì Chúa
Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng con cái cùng cầu nguyện, và khi đó,
chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động” (số 6). Bạn hãy sắp
xếp chương trình sống hằng ngày có giờ cầu nguyện cho chính bạn, gia đình hay
cộng đoàn của bạn, để bạn và những người thân của bạn được Phúc Âm hóa và thông
truyền đức tin cho mọi người.
Sống
Lời Chúa: Quyết tâm đọc kinh chung với
nhau trong gia đình hay cộng đoàn của bạn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết kết
hiệp với Chúa thật lòng qua giờ kinh nguyện của con ngõ hầu con biết làm thế
nào để sống đúng và hợp ý Ngài trong cuộc sống. Amen.
09/02/14 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – A
Mt 5,13-16
Mt 5,13-16
MUỐI
CHO ĐỜI, ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
“Chính
anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)
Suy
niệm: Hình ảnh và tác dụng của muối và
ánh sáng trong Tin Mừng hôm nay thật thích hợp để chúng ta suy nghĩ về việc Tân
Phúc Âm hóa trong gia đình. Nếu muối có mục đích ướp cho đồ ăn khỏi bị hư hoại
và làm cho khẩu vị thêm đậm đà thì “Muối-Tin Mừng” cũng thế. Ai không có Lời
Chúa hướng dẫn cuộc sống sẽ dần xa Thiên Chúa, đức tin sẽ yếu kém, cũng như
không thể lan tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho cuộc đời. Ánh sáng nhằm để soi
đường và nếu cuộc sống Kitô hữu không có “Ánh sáng-Lời Chúa” soi dẫn, cuộc sống
sẽ đi vào chỗ tối tăm. Một khi chưa quan tâm đến "Ánh sáng-Lời Chúa,”
người Kitô hữu không thể nào Phúc âm hóa chính bản thân, gia đình và thế giới
này được.
Mời
Bạn: Ánh sáng và muối của các Kitô
hữu không tự mình mà có, nhưng được đón nhận và tỏa ra do sự hiện diện của Chúa
Kitô trong tâm hồn mình. Gần “mực” thói đời thế gian, tâm hồn bạn ra đen tối, xấu xí. Trái lại, gần
“đèn” Giêsu, chắc chắn bạn sẽ sáng rạng ngời tinh thần yêu thương, dấn thân,
liên đới, ... của Tin Mừng.
Chia
sẻ:
Ai thích bóng tối thì ghét ánh sáng. Ai sống trong ánh sáng thì mới có thể làm
cho người khác nhìn thấy hành động của mình.
Sống
Lời Chúa: Để Phúc âm hóa đời sống gia đình,
gia đình tôi sẽ cố gắng đọc, cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, công
cuộc loan báo Tin Mừng đòi buộc chúng con phải xét lại cách sống đạo của mình.
Xin giúp chúng con quyết tâm theo đuổi, tìm kiếm những điều Chúa và Hội thánh
dạy bảo. Amen.
10/02/14 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Côláttica, trinh nữ
Mc 6,53-56
Th. Côláttica, trinh nữ
Mc 6,53-56
CHÍNH
LÚC QUÊN MÌNH LÀ LÚC GẶP LẠI BẢN THÂN
Thầy
trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. Họ rảo khắp
vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. (Mc 6,54-55)
Suy
niệm: Nhìn vào những công việc bề bộn
của Đức Giêsu, khó có ai nhận ra chương trình sống từng ngày cua Ngài. Đức Giêsu
không lên kế hoạch cho một ngày này hay ngày khác. Ở nơi Ngài chỉ có một chương
trình duy nhất cho mọi ngày, là rao giảng Tin Mừng và làm cho lời ấy sinh hoa
trái nơi tâm hồn người nghe. Như một tác giả đã viết, đề tài Nước Thiên Chúa
đâu phải để bàn bạc trong một số giờ nhất định, nhưng đó là một thực tại phải
diễn ra trong đời sống hằng ngày từng giây từng phút. Vì thế, Đức Giêsu không
chỉ sống mầu nhiệm Nước Trời ở một chỗ hay một ngày nhất định. Vả lại, đối
tượng rao giảng của Ngài là người nghèo; Ngài sống nghèo với người nghèo, chấp
nhận bị họ quấy rầy, vì Ngài biết, những nhu cầu của họ đều mang tính cấp
thiết.
Mời
Bạn: Cách phục vụ của Đức Giêsu nên
mẫu gương cho các thành phần trong Hội Thánh, một tinh thần phục vụ xả thân cho
người khát khao. Nếu bạn có lên kế hoạch phục vụ hằng ngày, thì cũng cốt để cho
việc phục vụ hiệu quả hơn.
Sống Lời Chúa: Trong chương trình sống thường
ngày, bạn nhớ dành chỗ quan tâm đến những người nghèo và những ai khao khát đi
tìm chân lý.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho
con tận dụng thời giờ cách trầm tĩnh, thanh thản. Xin cho con đổ đầy thời gian
đó tới miệng bình để tiến dâng Chúa. Xin Chúa biến đổi thứ nước vô vị đó thành
rượu quý như Chúa đã làm tại Cana.
11/02/14 THỨ BA TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Quốc tế Bệnh nhân
Mc 7,1-13
Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Quốc tế Bệnh nhân
Mc 7,1-13
VÂNG
LỜI CHÚA HƠN
“Các
ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”
Chúa Giê-su còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn Thiên Chúa để nắm
giữ truyền thống của các ông.” (Mc
7,8-9)
Suy
niệm: Mọi thứ đều có thứ tự. Ngay cả
những tín điều đức tin và các giáo huấn luân lý cũng có thứ tự. Chúa Giêsu nói
rõ các điều răn của Thiên Chúa có thứ tự ưu tiên hơn các tập tục của con người.
Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức
Phanxicô nhắc nhở tín hữu hãy nắm giữ lấy cốt lõi của Tin Mừng để sống, chứ
đừng thu gọn Tin Mừng chỉ trong vài khía cạnh thứ yếu. Cốt lõi đó là Thiên Chúa
Tình yêu, yêu thương con người trong Đức Giêsu Kitô, nhất là những người nghèo
đói, bệnh tật. Thứ tự này quá rõ, không cho phép bất cứ giải thích nào làm giảm
thiểu tính ưu tiên của nó, bởi chính Chúa Giêsu yêu thương người bệnh tật,
nghèo hèn, thậm chí Ngài tự đồng hóa với người nghèo: “khi xưa Ta đói các ngươi
đã cho ăn” và dạy chúng ta “hãy cho họ ăn.” Vì lẽ đó, Đức Phanxicô mong ước có một
Giáo Hội nghèo cho người nghèo.
Mời
Bạn: Người bệnh tật trong gia đình có
vị trí nào trong lòng bạn và trong sinh hoạt thường ngày của bạn? Bạn có ý thức
rằng bạn không chỉ được mời gọi sống với Chúa, mà còn được mời gọi liên đới với
những anh chị em khuyết tật, nghèo đói.
Chia
sẻ:
Kể cho nhau những câu chuyện về tình yêu của Chúa dành cho người nghèo đói,
bệnh tật.
Sống
Lời Chúa: Đi thăm một bệnh nhân và an ủi
họ.
Cầu
nguyện: Xin Chúa cho con
có được trái tim của Chúa để yêu thương anh chị em nghèo đói, bệnh tật như Chúa
yêu.
12/02/14 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23
Mc 7,14-23
ĐÀO
TẠO TRÁI TIM
“Tất cả
những điều xấu xa đó điều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế!” (Mc 7,23)
Suy
niệm: Thi hào
Nguyễn Du đã viết: “Thiện căn ở tại lòng
ta”. Gốc rễ của sự thiện nằm trong lòng ta. Các hành vi tội phạm man
rợ đang được đa dạng và trẻ hóa trong xã hội cho thấy gốc rễ sự thiện nơi nhiều
ngươi đã bị ung thối. Chúa Giêsu đến để chữa lành bản tính con người bị tổn
thương do tội lỗi. Ngài muốn đổi mới con người từ bên trong, như lời tiên tri
Êdêkien: “Ta sẽ tặng các ngươi một quả
tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng. Lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá,
và sẽ ban tặng một quả tim biết yêu thương” (Ed 36,26). Tâm hồn mỗi người
là đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Đó không thể là nơi dung túng sự dữ.
Chúng ta phải đào tạo con tim mình nên giống con tim của Chúa Giêsu, nói cách
khác, đó là trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Kitô.
Mời
Bạn: Bạn đã
làm gì để đào tạo con tim của mình? “Chúng
ta có đem lại cho con tim chúng ta những điều bổ ích nuôi dưỡng nó hay không?
Hay chúng ta lại nhồi nặn nó bằng bạo lực, những điều tầm thường làm cho nó
thành trái tim chai đá? (Timothy Radcliffe, O.P.)
Sống
Lời Chúa: Nhất nhật bất niệm thiện chư ác giai tự khởi. Một ngày không gẫm suy điều thiện, sự xấu sẽ trồi
hiện lên. Tôi năng đọc Lời Chúa và xét mình mỗi ngày dưới ánh sáng Lời Chúa để
ơn thánh Chúa biến đổi tâm hồn tôi mỗi ngày nên giống Chúa hơn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Thánh
Thần, xin thanh luyện con tim con mỗi ngày bằng ngọn lửa tình yêu của Chúa. Xin
cho con luôn biết sống yêu thương để luôn sẵn sàng chia sẻ cho người khác niềm
vui hăng say phục vụ mọi người.
13/02/14 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Mc 7,24-30
Mc 7,24-30
KIÊN
TRÌ TRONG LỜI CẦU XIN
“Thưa
Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám
trẻ con.” (Mc
7,28)
Suy
niệm: Bà ta là người Hy Lạp, quê ở Phênixi,
nghĩa là bà thuộc về dân ngoại, loại người bị người Do thái khinh khi. Bà thật
là “lì đòn”: ngay cả những lời thử thách đầy vẻ miệt thị nhất “Không nên lấy bánh mà vất cho chó” cũng
không làm bà nản lòng. Bà vẫn tha thiết cầu xin: “Nhưng con chó ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ
con”. Tình yêu của bà đối với người con đã giúp bà có sức mạnh như thế: sẵn
sàng chịu đựng mọi thứ đau khổ, sỉ nhục, miễn sao đem lại điều tốt đẹp cho
người con mà bà yêu quí. Chúa đã chấp nhận lời cầu xin vì cảm kích tấm lòng tha
thiết của bà.
Mời
Bạn: Phần bạn, có bao giờ bạn cầu
nguyện với Đức Kitô cách tha thiết như vậy chưa? Có bao giờ bạn cảm thấy buồn
phiền ray rứt trước những đau khổ, những tội lỗi, những khốn cùng của người
khác đến mức sẵn sàng chịu khổ, kể cả hạ mình chịu sỉ nhục để làm một cái gì đó
tốt đẹp cho họ không?
Sống
Lời Chúa: Bạn có biết ai sống chung quanh
bạn đang phải đau khổ về vật chất hay tinh thần không? Bạn có thể làm gì để
giúp họ? Một sự chia sẻ? Một lời an ủi? Một nụ cười cảm thông? Ít nhất bạn hãy
cầu nguyện cho họ một cách thật tha thiết như người đàn bà xứ Phênixi này.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho
con biết mở to đôi mắt để con thấy được những nỗi thống khổ của tha nhân. Xin
cho con biết mở rộng tấm lòng để cảm thông chia sẻ, và cho con biết dang rộng
đôi tay để sẵn sàng làm điều gì đó tốt đẹp cho họ. Chúng con cầu xin nhờ Đức
Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
14/02/14 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Th. Syrilô, đan sĩ và Mêtôđiô, giám mục
Mc 7,31-37
Th. Syrilô, đan sĩ và Mêtôđiô, giám mục
Mc 7,31-37
ÉPPHATHA!
HÃY MỞ RA!
Chúa
Giêsu ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở
ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. (Mc 7,34-35)
Suy
niệm: Người điếc không nghe được điều
người khác nói. Họ không bị xã hội loại trừ, nhưng chính chứng điếc cản trở họ
giao tiếp với người khác. Người ngọng, lưỡi như bị buộc lại, muốn trình bày ý
tưởng gì hay diễn tả tâm tư ước muốn thật khó khăn, có khi còn bị hiểu lầm, chế
nhạo. Người vừa điếc vừa ngọng giống như bị cắt cụt mọi phương thế giao tiếp
với tha nhân. Người ta nói mình không nghe được; mình nói không ai hiểu được.
Anh ta như người tù biệt xứ ngay ở giữa những người thân. Để chữa lành cho anh,
Chúa Giêsu nói: “Épphatha! Hãy mở ra!”
Lập tức “tai anh ta mở ra, lưỡi như hết
bị buộc lại”, anh nối lại được mối tương quan với tha nhân. Nỗi bất hạnh
của anh giờ đây trở thành niềm vui và hạnh phúc.
Mời
Bạn: Có thể chúng ta không bị điếc và
ngọng thể lý nhưng rất có thể đang bị điếc và ngọng tâm linh. Điếc khi ta làm
ngơ trước điều hay lẽ phải, thích nghe lời khen tặng nịnh nọt mà bịt tai trước
những lời góp ý xây dựng. Lúc đó ta “có
tai mà chẳng thể nghe chi” (Tv 135,17). Ta ngọng khi miệng lưỡi không biết
ca ngợi Chúa, không dám nói sự thật, không có can đảm nói điều hay lẽ phải bênh
vực cho chân lý. Lúc đó ta có lưỡi mà “lưỡi
đã dính với hàm” (x. Tv 137,6).
Sống
Lời Chúa: Mỗi ngày chú ý lắng nghe điều
hay lẽ phải và nói lời xây dựng với tha nhân.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu là
Đấng chữa lành mọi bệnh tật tâm linh, xin cho chúng con nhận ra chứng điếc
ngọng của mình và xin Chúa chữa lành chúng con.
15/02/14 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Mc 8,1-10
Mc 8,1-10
ĐỨC
GIÊSU YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI
Đám
đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ.
Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. (Mc 8,8-9)
Suy
niệm: Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh
ra nhiều tới hai lần. Lần nào cũng thế, Chúa thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn”.
Chúa chăm lo cho cả những nhu cầu vật chất của người ta khi người ta sẵn sàng
hy sinh để lắng nghe Lời Chúa và theo Chúa. Và bao giờ cũng thế, đã ban ơn thì
Chúa ban thật dư dật: từ 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, trên 4000 người ăn mà
vẫn còn dư đến 7 giỏ.
Mời
Bạn: Bạn thấy không, có khi nào Chúa
kém quảng đại hơn chúng ta đâu? Khi người ta sẵn sàng hy sinh chấp nhận cơn đói
của thể xác để thoả mãn cơn đói khát Lời Chúa bằng cách đi theo Chúa Giêsu, thì
lúc đó chẳng những Người ban cho họ no thoả Lời Người mà còn dư đầy cả bánh và
cá nữa. Nước lã hoá thành hằng trăm lít rượu ngon tại Cana, mẻ cá lạ lùng hai
chiếc thuyền đầy khẳm đến gần chìm, tất cả những điều đó há chẳng nói lên Thiên
Chúa rộng lượng quảng đại với bạn thế nào hay sao? Bạn hãy đong cho Chúa bằng
một chiếc đấu thật lớn, thật đầy đi, và Chúa sẽ đong lại cho bạn bằng chính chiếc đấu ấy đã dằn đã lắc hẳn hoi.
Sống
Lời Chúa: Ngày mai, Chúa Nhật bạn hãy hy
sinh xếp các công việc của bạn lại để dành cho Chúa một ngày thật trọn vẹn,
thật đúng ý nghĩa Chúa Nhật là Ngày Của
Chúa.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, Chúa
thật quảng đại với con. Còn con lại quá nhỏ nhen, hẹp hòi với Chúa. Xin cho con
biết sống quảng đại với Chúa và với nhau, như Chúa vẫn quảng đại với con.
16/02/14 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – A
Mt 5,17-37
Mt 5,17-37
LUẬT
CỦA TÌNH YÊU
“Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến
không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy
niệm: Người Pharisêu và các kinh sư
thường kết án Chúa Giêsu phá bỏ Luật Môsê, đặc biệt luật giữ ngày sa-bát. Tin
Mừng theo thánh Mátthêu được viết cho các cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái để
chứng minh cho họ biết Chúa Giêsu không đến để “bãi bỏ lề luật,” nhưng để làm trọn lời các ngôn sứ đã tiên báo.
Ngài đã nặng lời gọi các kinh sư và người Pharisêu là những người giả hình, giữ
luật vụ hình thức, coi việc tuân thủ những lề luật chi li như là tiêu chuẩn
đánh giá sự thánh thiện của mình. Và họ tự hào về “thành tích” đó trong khi
lòng họ thì xa Chúa! Chúa Giêsu cho biết việc tuân giữ Lề Luật hệ tại tấm lòng,
rằng cốt lõi của Mười Điều Răn là tình yêu, là mến Chúa và yêu tha nhân. Những
ai giữ Luật Chúa như vậy, không còn giữ luật như những người nô lệ; trái lại,
họ sống như những người con cái tự do của Thiên Chúa.
Mời
Bạn: Nhiều người lầm tưởng Chúa đến
bãi bỏ Lề Luật và những người theo Chúa không cần giữ luật lệ. Không phải thế.
Chúa dạy chúng ta muốn vào Nước Trời phải “công
chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” (Mt 5,20) nghĩa là chẳng những giữ
trọn từ “một chấm, một phết” của Lề
Luật (Mt 5,18), và còn giữ với cả tấm lòng yêu mến Chúa. Bạn đang giữ luật với
tinh thần nào?
Sống
Lời Chúa: Tham dự thánh lễ Chúa Nhật không
phải một cách miễn cưỡng mà là với lòng mến yêu Chúa.
Cầu
nguyện: “Xin Chúa dẫn con
đi từ cõi chết đến cõi sống, từ lầm lạc đến chân lý.” Xin dùng luật Chúa để uốn
nắn đường con đi, nhưng xin ban tình yêu để con bước đi trong tình yêu Chúa.
17/02/14 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Mc 8,11-13
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Mc 8,11-13
CHÚA
GIÊSU, DẤU LẠ TỪ TRỜI
Những người
Pharisêu đòi Chúa Giêsu một dấu lạ từ trời để thử Người. (Mc 8,11)
Suy
niệm: Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ,
gần nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-10), nhưng những
người Pharisêu vẫn “chê” đó là dấu lạ “dưới đất” mà có lần họ đã họ xuyên tạc
là Ngài dựa vào quyền thế của Bêendêbun để thực hiện (Mc 3,22). Thế nên họ đã “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”.
Không phải là Chúa Giêsu không đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Ngài là chính
“dấu lạ từ trời,” điều đã được chứng
thực khi Ngài chịu phép rửa: “Có tiếng từ
trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1,11). “Dấu lạ từ trời” đó có tên là Giona khi Ngài sẽ trỗi dậy vinh hiển
sau ba ngày chịu mai táng trong lòng đất. Cũng như dân Do Thái trong sa mạc thử
thách Chúa, để rồi cứng lòng tin vẫn hoàn cứng lòng tin “dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,8-9), người Pharisêu cũng
vẫn cứng lòng tin, dù đã thấy biết bao dấu lạ, ngay cả dấu lạ Giona!
Mời
Bạn: “Chúa Giêsu dấu lạ từ trời” vẫn tiếp tục là dấu lạ cho chúng ta
hằng ngày trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ giống như người Pharisêu nếu vẫn
từ khước “dấu lạ Thánh Thể” này để
đòi hỏi những dấu lạ thoả mãn tính hiếu kỳ, đáp ứng những ham muốn về tiền bạc,
dục vọng và quyền lực.
Sống
Lời Chúa: Bạn viếng Thánh Thể hoặc rước lễ
thiêng liêng để chiêm ngắm “Chúa Giêsu,
dấu lạ từ trời” đang ở với bạn trong Bí tích Thánh Thể.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho
con biết tin Chúa một cách vô điều kiện, để đức tin của con cùng Chúa chuyển
được núi kiêu căng thành đồng bằng khiêm tốn; dời non dối trá, tham lam thành
con đường của sự thật và yêu thương.
18/02/14 THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21
Mc 8,14-21
LÀ
MEN KITÔ
“Anh
em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15)
Suy
niệm: Từ hàng ngàn năm qua, người ta
đã biết dùng men ủ vào bột, để bột dậy men và làm ra những ổ bánh mì thơm ngon.
Cũng có những thứ men hữu ích khác để làm rượu, dấm, sữa chua, v.v. Thế nhưng
lại có những thứ men độc hại làm cho thức ăn hư thối, gây tật bệnh cho con
người. Khi ví Nước Trời như men trong bột, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có
loại men mang tên Kitô, chứ không phải “men
Pharisêu và men Hêrôđê”, là thứ men kiêu căng giả hình, thứ men của lòng
đam mê tiền của, thú vui và quyền lực; những thứ men đó làm cho con người ra hư
hỏng. Các môn đệ vì còn nặng tinh thần thế tục với óc thực dụng, cứ mải lo lắng
về tấm bánh vật chất nên không hiểu được lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Biết các
ông đang có nguy cơ tiêm nhiễm men độc hại nên Ngài cảnh báo: “Hãy coi chừng
men Pharisêu và men Hêrôđê”.
Mời
Bạn: Men Kitô trái ngược hẳn với men
Hêrôđê và Pharisêu. Đó là men yêu thương, khơi dậy lòng nhiệt thành hiến thân
phục vụ trong vui tươi, hiền lành, khiêm tốn. Để men Kitô dậy lên, phải loại bỏ
tinh thần thế tục và óc thực dụng là môi trường cho men Pharisêu và Hêrôđê phát
triển.
Chia
sẻ:
Đâu là những dấu hiệu cho thấy tinh thần thế tục và óc thực dụng đang tồn tại
nơi lối sống của bạn?
Sống
Lời Chúa: Thực hành lối sống giản dị, tiết
độ và sẵn sàng chia sẻ với người nghèo để men Kitô phát triển.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
Chúa dạy chúng con hãy tìm kiếm Nước Trời trước rồi những sự khác Chúa sẽ ban
cho. Xin giúp chúng con biết sử dụng của cải đời này theo tinh thần Phúc Âm để
đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
19/02/14 THỨ TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26
Mc 8,22-26
CUỘC
SỐNG CÓ THẦY GIÊSU
Người lại đặt tay
trên mắt anh ta, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. (Mc 8,25)
Suy
niệm: Anh mù ở Bétxaiđa từ chỗ ở xa
Chúa Giêsu, không thấy cũng không biết Chúa, nay được dẫn đến gần Ngài. Chúa
còn muốn anh gần gụi với Ngài hơn nữa. Ngài nắm lấy tay anh, dắt anh ra khỏi
làng. Ngài lại đụng chạm đến anh, lấy nước miếng của Ngài xức mắt anh. Chưa
hết, Ngài hỏi anh hai câu, anh trả lời hai lần. Anh tin và anh được sáng: từ
chỗ thấy người ta như cây cối đi đi lại lại, tới chỗ anh thấy tỏ tường mọi sự.
Chúa nói anh đừng trở vào làng nữa. Tại sao? Để anh ở lại gần hơn với Ngài,
Đấng đã chữa lành anh. Thầy Giêsu ở đó trước mắt anh. Anh đã rất gần Chúa, bằng
xương bằng thịt; anh đã thấy Chúa rõ ràng. Cuộc sống của anh giờ đây có Thầy
Giêsu.
Bạn
ơi, cuộc
sống bạn có Thầy Giêsu, bạn còn lo lắng chi? Hằng ngày, bạn vẫn nhìn thấy người
ta, thấy mọi sự, nhưng đôi khi bạn vội vã để mọi việc lướt đi quá nhanh trước
mắt mình, nên không kịp nhìn thấy tỏ tường. Nhất là bạn không nhận ra Thầy
Giêsu vẫn ở gần bạn, không nhận ra tha nhân ở chung quanh bạn. Xin Thầy Giêsu ở
với bạn, với tôi để chúng ta nhìn thấy nhau và nhìn nhau bằng con mắt của Ngài.
Chia
sẻ:
Có khi nào bạn cảm nhận Thầy đặt tay trên bạn chưa?
Sống
Lời Chúa: Đọc lại đoạn Tin Mừng này vài
lần và để nghe Chúa nói và cảm nhận Thầy Giêsu đang hiện diện bên cạnh mình.
Cầu
nguyện: Thầy Giêsu ơi! xin
cho chúng con luôn xác tín rằng: có Thầy con có thể làm được mọi sự. Xin xen
vào đời sống của con, đứng giữa con và mọi việc, giúp con nhìn thấy rõ ràng
Thầy đang ở với con và trong anh em con.
20/02/14 THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Mc 8,27-33
Mc 8,27-33
THẦY
LÀ ĐẤNG KITÔ
Đức
Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là
ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho Thầy là một ngôn sứ
nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô
trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc
8,27-29)
Suy
niệm: Khi thay mặt các tông đồ tuyên
xưng: “Thầy là Đấng Kitô”, Phêrô đã
vượt xa hiểu biết của đại chúng về con người của Chúa Giêsu. Việc huấn luyện đã
có kết quả. Nhờ đồng hành với Chúa qua vài năm sứ mạng khắp nơi, các tông đồ
dần dà đã nhận ra Thầy, nhưng Chúa đã chẳng khen, lại còn bị “cấm” loan báo
việc này với bất cứ ai. Chúa muốn các ông hiểu xa hơn nữa về chương trình của
Thiên Chúa: Ngài phải là người tôi tớ khổ đau khi vuông tròn sứ mệnh cứu thế.
Người môn đệ Chúa hôm nay cũng thế, đừng bao giờ tự mãn về vốn liếng hiểu biết
Đạo của mình. Biết về Chúa không bao giờ đủ cũng như yêu Ngài chẳng bao giờ
cùng.
Mời
Bạn: Bạn hiểu biết về Chúa đủ chưa?
Khi đã hiểu biết rồi, bạn có chú tâm biến thành sức sống, thành lòng mến? Như
các tông đồ, tiên vàn, chúng ta tin nhận: “Thầy
là Đức Kitô”, Đấng được sai đến.
Sống
Lời Chúa: “Thầy là Đức Kitô”, lời tuyên xưng này sẽ là lời nguyện của chúng
ta hằng ngày, hướng về những người anh em chưa biết Chúa.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, điều
đáng sợ nhất trong thế giới ngày nay là sự dửng dưng với tôn giáo. Phải chăng
cuộc sống của chúng con không đủ sức thuyết phục để trả lời cho câu hỏi của
những người chưa tin: “Chúa của người Kitô hữu là ai?” Chúa ơi! Xin nâng đỡ đức
tin còn non yếu của chúng con.
21/02/14 THỨ SÁU TUẦN 6 TN
Th. Phêrô Đamianô, giám mục tiến sĩ HT
Mc 8,34-9,1
Th. Phêrô Đamianô, giám mục tiến sĩ HT
Mc 8,34-9,1
ĐÁNH
CƯỢC ĐỜI MÌNH
“Được
cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật,
người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?” (Mc 8,36-37)
Suy
niệm: Những lời Chúa nói trên đây
thường được gọi là “những lời khó nghe”. Quả thật, chúng thật chướng tai đối
với người “ngoại đạo,” nhưng đối với người tin Chúa thì đó là một niềm xác tín.
Chúa Giêsu đòi ta phải đánh cược đời mình cho hạnh phúc vĩnh cửu. Lịch sử
truyền giáo cho ta thấy những trang sử đẫm máu của các thừa sai và Kitô hữu bản
xứ để có được những hạt mầm đức tin như ngày nay. Máu các thánh tử đạo là hạt
giống trổ sinh các tín hữu. Giáo hội đề ra việc Tân-Phúc-Âm hoá để canh tân đời
sống đức tin. Chính vì thiếu Phúc-Âm hóa nên nhiều Kitô hữu đã bỏ đạo, chạy
theo sự lôi cuốn của cuộc sống trần thế này. Đừng để Tân-Phúc-Âm chỉ là khẩu
hiệu, mà phải là xác tín mạnh mẽ quyết chọn sự sống vĩnh hằng thay cho niềm vui
tạm bợ.
Mời
Bạn: Theo Chúa Giêsu và sống Tin Mừng
của Ngài tức là bạn đang đặt cược đời mình trước những thị phi của đời. Các
thánh tử đạo Việt Nam, thánh Phanxicô Xaviê... đã thắng canh bạc cuộc đời này
khi toàn tâm toàn ý sống theo lời dạy của Chúa Giêsu và cho Danh của Ngài. Bạn
có chấp nhận chân lý Chúa đưa ra hay chỉ muốn đổi mạng sống mình bằng những lợi
lộc nhất thời mà thế gian ban tặng?
Sống
Lời Chúa: “Ai
tín thác vào Chúa thì không thiếu thốn gì” (Ngạn ngữ Swahili, Châu Phi).
Tôi sẽ tập sự tín thác vào Chúa như vậy.
Cầu
nguyện: “Lạy Chúa, họ đang
thiêu sống con nhưng dường như họ cũng đang tưới nước mát vào cơ thể con” (lời cầu nguyện của thánh Carôlô
Loanga khi tử đạo).
22/02/14 THỨ BẢY TUẦN 6 TN
Lập Tông toà thánh Phêrô
Mt 16,13-19
Lập Tông toà thánh Phêrô
Mt 16,13-19
ÂN
HUỆ VÀ TRÁCH NHIỆM
“Thầy sẽ trao cho
anh chìa khóa Nước Trời.”
(Mt 16,19)
Suy
niệm: Phêrô hẳn đã quá đỗi kinh ngạc
bởi vì chỉ từ một lời tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét, một con người bằng xương
bằng thịt, là Con Thiên Chúa hằng sống, mà ông được Chúa Giêsu khen tặng “là người có phúc” vì đã được “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” mạc
khải những điều cao trọng; ông lại lại còn được Ngài trao cho sứ mạng trọng
đại: trên con người mỏng dòn của ông,
Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài bền vững đến độ “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi”. Ngài trao chìa khóa Nước
Trời cho ngư phủ Phêrô với toàn quyền cầm buộc hay tháo cởi, có hiệu lực cả
trên trời cũng như dưới trần gian này. Tất cả những điều đó là ân ban và đồng
thời cũng là sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời Phêrô đáp trả với lòng tri ân và
tinh thần trách nhiệm.
Mời
Bạn: Gia đình Kitô hữu là một Hội
Thánh tại gia. Gia đình Kitô hữu lãnh nhận hồng ân và chu toàn sứ mạng của mình
giữa lòng Hội Thánh khi tuyên nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa là Đầu của
gia đình mình. Năm “Phúc-Âm-hoá Gia đình”, Hội Thánh mời gọi chúng ta nhìn lại
những hồng ân và trách nhiệm Chúa đặt nơi mỗi gia đình Kitô hữu để nỗ lực xây
dựng gia đình mình thành một gia đình thánh thiện, một gia đình truyền giáo.
Sống
Lời Chúa: Để thực hiện “Phúc-Âm-hoá gia
đình”, toàn gia đình quyết tâm cầu nguyện chung và hy sinh quên mình phục vụ
lẫn nhau.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu là
Đầu và là Hôn Phu của Giáo Hội, xin thương đến gia đình chúng con và giúp chúng
con sống thánh thiện và làm chứng nhân tình yêu Chúa ở giữa lòng thế giới hôm
nay.
23/02/14 CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – A
Mt 5,38-48
Mt 5,38-48
HÃY
YÊU KẺ THÙ
“Hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em... Anh em hãy nên hoàn
thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,44.48)
Suy
niệm: Khi nghe những lời Chúa Giêsu
dạy: “Hãy yêu kẻ thù”, chúng ta thường cho rằng đó là chuyện không thể làm
nổi. Yêu đã là khó, yêu kẻ thù lại càng là vấn đề nan giải, nhưng đó lại là cốt
lõi của Đạo Trời. Điều này, đòi hỏi chúng ta một tấm lòng cao thượng, vượt ra
khỏi cái tôi ích kỷ và kiêu căng, và phải can đảm biết bao, nhất là phải cầu
nguyện. Yêu kẻ thù là dấu chỉ con cái Thiên Chúa, lý do là vì kẻ thù cũng là
đối tượng của tình yêu Chúa. Yêu kẻ thù không phải là hành vi của một kẻ yếu
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng. Chúa Giêsu mời gọi: không những
yêu thương tha thứ, mà còn tiến xa hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù, ước mong
mọi điều tốt đẹp cho họ, noi gương Cha trên trời, Người ban phát ơn lành cho
mọi người, không phân biệt lành dữ...
Mời
Bạn: Kẻ thù của bạn là ai? Là kẻ ghét
bạn, kẻ xúc phạm đến bạn, đến danh dự và quyền lợi của bạn, là những người tự
nhiên bạn không ưa, vv... vô số kể. Tin Mừng mời gọi bạn vượt lên trên lối sống
tự nhiên theo thói thường, để mặc lấy tâm tình của người con Thiên Chúa, sống
nhân hậu, bao dung như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Sống
Lời Chúa: Bạn đọc Kinh Lạy Cha thật sốt
sắng, và cầu nguyện cho một người mà bạn không thích.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa là Cha
chúng con, Chúa yêu thương chúng con ngay khi chúng con còn là tội nhân. Xin
Chúa dạy chúng con biết yêu thương anh chị em con, như Chúa mến thương họ.
24/02/14 THỨ HAI TUẦN 7 TN
Mc 9,14-29
Mc 9,14-29
ĐỨC
TIN – CẦU NGUYỆN – SỨ VỤ
“Ôi thế hệ cứng
lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu
đựng các người cho đến bao giờ nữa?”
(Mc 9,19)
Suy
niệm: Lời than thở này của Chúa Giêsu
như van lơn, như năn nỉ các môn đệ Ngài hãy bớt cứng cỏi để tin vào Ngài hơn.
Bối cảnh của câu chuyện là có người xin các môn đệ trừ một quỷ câm vào lúc Chúa
Giêsu không có mặt ở đó; các ông đã làm, nhưng không thành công. Rồi khi Chúa
Giêsu đích thân trừ con quỷ này, Ngài nhấn mạnh lòng tin đóng vai trò quyết
định trong cuộc chiến chống lại ma quỷ: “Mọi
sự đều có thể đối với người tin.” Cuối cùng, giải thích sự thất bại của các
môn đệ, Chúa nói: “Giống quỷ ấy, chỉ có
cầu nguyện mới trừ được thôi.”
Mời
Bạn: Nghe lại lời than thở “Ôi thế hệ cứng lòng…” của Chúa Giêsu để
thấy Ngài chỉ tha thiết mong mỏi có một điều: lòng tin của các môn đệ
Ngài. Lòng tin ấy rốt cục được đồng hóa với thái độ cầu nguyện. Và đó là tất
cả những gì cần thiết để các môn đệ Chúa thực thi sứ vụ phục vụ của mình
cách hữu hiệu giữa dân chúng.
Chia
sẻ:
Tại sao ta có thể nói “hoa quả của đức
tin là cầu nguyện”, và cũng có thể nói “hoa
quả của cầu nguyện là đức tin” (Mẹ Têrêsa Calcutta)?
Sống
Lời Chúa: Đời sống Kitô hữu là đời sống “3
trong 1”: tin - cầu nguyện - sứ vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ thúc giục
toàn Hội Thánh đi ra khỏi mình để thi hành sứ
vụ chữa trị bao thương tích của con người và thế giới hôm nay. Đừng quên
hành trang thiết yếu của cuộc đi ra này là tin
và cầu nguyện.
Cầu
nguyện: “Lạy Chúa con tin,
lạy Chúa con tin. Xin đỡ nâng, xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của chúng con.”
25/02/14 THỨ BA TUẦN 7 TN
Mc 9,30-37
Mc 9,30-37
SỰ
IM LẶNG ĐÁNG SỢ!
Khi
về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn
cả. (Mc
9,33-34)
Suy
niệm: Trong hai vụ việc diễn ra gần
nhau, các môn đệ Chúa Giêsu đã hai lần im lặng một cách đáng sợ. Lần đầu các
ông không hiểu những lời Chúa báo trước Ngài sẽ chịu chết, thế nhưng các ông sợ
và im lặng không dám hỏi Ngài. Lần thứ hai các ông cũng im lặng không trả lời
về việc các ông cãi nhau để tranh dành địa vị. “Im lặng-không dám hỏi”: một sự
im lặng đáng sợ vì sợ không dám đón nhận một Đức Kitô chịu đau khổ, chịu đóng
đinh. “Im lặng-không dám trả lời”: một
sự im lặng đáng sợ nữa vì tránh né sự thật xấu xí về chính mình, và tránh né
những đòi hỏi để làm môn đệ Chúa Giêsu: “Ai
muốn làm đầu phải làm người rốt hết.”
Mời
Bạn: Tình trạng “im lặng đáng sợ”
“không hỏi-không trả lời” vẫn thường xảy ra. “Im lặng đáng sợ” như thế chỉ vì
sợ. Lý do thì rất nhiều: vì tự ái, sĩ diện, vì sợ bị phiền hà liên luỵ, sợ phải
từ bỏ, sợ hy sinh, sợ mất lòng hay mất mát cái gì đó… Để không im lặng như một
sự đồng loã với tội lỗi, né tránh sự thật, Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ đi
theo Ngài làm môn đệ, nghĩa là chấp nhận làm
tôi tớ phục vụ tha nhân và từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ngài.
Sống
Lời Chúa: Dành một phút thinh lặng trong
giờ suy niệm, nhìn lại một việc bạn đã làm và lắng nghe điều Chúa muốn bạn phải
làm trong lúc này.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giêsu,
xin dùng ngọn lửa Thánh Thần thiêu đốt thái độ im lặng đáng sợ này nơi chúng
con, và thêm sức cho chúng con can đảm đón nhận sự thật của Lời Chúa và đem ra
thực hành trong đời sống.
26/02/14 THỨ TƯ TUẦN 7 TN
Mc 9,38-40
Mc 9,38-40
NIỀM
VUI TRUYỀN GIÁO
“Đừng
ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau
đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc
9,38-39)
Suy
niệm: Ông Gioan tưởng mình có độc
quyền sở hữu “thương hiệu” Thầy mình trong việc trừ quỷ. Nhân việc đó, Chúa
Giêsu dạy các môn đệ phải có một cái nhìn bao dung hơn, bởi vì loan báo về Chúa
Giêsu tức là việc truyền giáo không phải là độc quyền của một ai hay một nhóm
người nào, trái lại đó là bổn phận của mọi người tin Chúa Kitô, những người đã
lãnh bí tích Rửa Tội, bất kể họ có chức vụ gì trong Hội Thánh hay kiến thức của
họ tới đâu. Không ai có quyền cản ngăn họ vì họ làm việc truyền giáo dưới tác
động của Chúa Thánh Thần, thi hành cách mau mắn mà không chờ thời cơ, hoặc thời
gian chuẩn bị. Nói như thế không phải là chẳng màng gì đến việc đào tạo giáo lý
đức tin hay việc hiệp thông với các phần tử Hội Thánh trong việc truyền giáo;
những việc đó không được là lý do để thoái thác hoặc ngăn cản việc truyền giáo,
mà trái lại phải làm cho công cuộc đó được phong phú và hữu hiệu hơn.
Mời
Bạn: Bạn được mời gọi truyền giáo
ngay trong môi trường của bạn và đồng thời liên đới với các phần tử trong Hội
Thánh trong sứ vụ này. Có bao giờ bạn ghen tỵ vì kết quả truyền giáo của một
anh chị em Kitô hữu gặt hái được? Chúa mời gọi bạn hiệp thông với các anh chị
em đang truyền giáo, để công cuộc truyền giáo gặt được kết quả tốt đẹp.
Sống
Lời Chúa: Mừng vui với những kết quả
truyền giáo của người khác, bạn dâng lên Chúa lời tạ ơn vì những thành quả
truyền giáo ấy.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin cho
chúng con hiệp thông với Chúa và Hội Thánh và với nhau trong việc truyền giáo.
27/02/14 THỨ NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50
Mc 9,41-50
ANH
EM THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ
“…Vì
anh em thuộc về Đức Kitô.” (Mc
9,41)
Suy
niệm: Trong sân của một ngôi trường
phổ thông kia có những hàng phượng trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng
đó, có một cây đặc biệt được bao quanh bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp.
Lý do khiến nó được “ưu ái” như vậy không phải vì nó là giống phượng quý đẹp
hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi chính tay vị chủ tịch nước khi
ông đến thăm trường. Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các
môn đệ được thuộc về Chúa Kitô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính Chúa
Kitô –“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp
Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ với một ly nước lã,
cũng được trọng thưởng nữa.
Mời
Bạn: Bạn vốn có phẩm giá cao quý vì
bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở nên
con cái Thiên Chúa và được thuộc về Đức Kitô, bạn lại càng trở nên cao quý hơn
vô cùng. Ý thức như thế, chúng ta trân trọng phẩm giá cao quý Chúa ban tặng cho
mình để nhờ ơn Chúa, chúng ta sống cuộc sống công chính thánh thiện. Đồng thời,
chúng ta cũng biết nhìn nhận phẩm giá cao quý của anh chị em và cư xử với nhau
trong tình yêu thương và tương kính.
Chia
sẻ:
Bạn có biết lời cầu nguyện và các bí tích là những cánh cổng giúp bạn kết nối
với Thiên Chúa và được thuộc về Ngài không? Mời bạn chia sẻ cách bạn dùng để
kết nối với Thiên Chúa.
Sống
Lời Chúa: Luôn dành riêng một khoảng thời
gian để cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.
Cầu
nguyện: Tạ ơn Chúa đã kêu
gọi con làm con Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm giá cao quý này.
28/02/14 THỨ SÁU TUẦN 7 TN
Mc 10,1-12
Mc 10,1-12
HÔN
NHÂN LINH THÁNH
“Sự
gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)
Suy
niệm: Chúng ta có thể lấy làm lạ tại
sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép (x. Đnl 24,1) mà người Pharisêu còn
“hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật
mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh
Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi
kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt –dù đã có
luật cho phép ly dị– khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa
Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng
chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt
khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả
quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.
Mời
Bạn: Xã hội hiện đại có xu hướng phá
vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc
bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời”
là viên đá góc để các gia đình Kitô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp
phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.
Chia
sẻ:
Gia đình bạn có khi nào ngồi lại với nhau để trao đổi những khúc mắc trong cuộc
sống không?
Sống
Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình
bạn đọc kinh chung và nhắc nhở nhau thực hành “yêu thương và kính trọng nhau” như lời cam kết.
Cầu
nguyện: Đọc kinh Gia Đình (x. tr. 58)
Kinh Gia Đình
Lạy
Chúa là Cha chúng con, chúng con tin thật Chúa là Đấng dựng nên mọi sự và hằng
thương yêu săn sóc mọi loài. Xin Chúa nhận lời gia đình chúng con cầu nguyện.
Chúa đã muốn chúng con làm thành một gia đình công giáo, một cộng đoàn yêu
thương, để làm bằng chứng tình thương của Chúa đối với mọi gia đình. Xin Chúa
cho mọi người trong gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng kính mến Chúa và hết
lòng hoà thuận thương yêu nhau. Xin Chúa cho chúng con nhiệt thành sống Đức
Tin, hôm sớm cầu nguyện chung với nhau, làm cho gia đình trở thành đền thờ sống
động của Chúa, siêng năng tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, chuyên cần học hỏi
lời Chúa và đem ra thực hành.
Trong khi mọi người
chúng con vất vả làm việc, cũng như lúc gia đình gặp vui mừng hoặc gặp thử
thách, xin Chúa cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng. Đối
với mọi gia đình chung quanh, xin Chúa cho chúng con biết thật tình yêu mến,
sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần, nhất là chia sẻ Tin Mừng tình
thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con
xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Chúng con nguyện sống theo gương Thánh
Gia Thất mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho mọi người trong gia đình chúng con,
có mặt cũng như vắng mặt, còn sống hay đã qua đời. Hầu bây giờ chúng con trở
nên ánh sáng tình thương của Chúa, và ngày sau được phúc sum họp với Chúa muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét