Mời đọc

Chủ Nhật, tháng 3 02, 2014

Giáo Hội Công Giáo lên tiếng về cái gọi là sứ điệp từ trời


GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LÊN TIẾNG VỀ CÁI GỌI LÀ SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI (TỔNG HỢP)




Về vấn đề mặc khải tư của cái gọi là sứ điệp từ trời, thì đã có phản ứng từ Giáo Hội:


1. LỜI NHẮN NHỦ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC FABBRO:

"Đức Giám Mục Fabbro trả lời trong một cuộc hội thảo tại Corunna ngày 15/8/2013 về một câu hỏi liên quan tới Maria Divine Mercy."

"Maria Divine Mercy là một phụ nữ chọn lối sống ẩn danh và tự cho mình là có những mạc khải tư. Đức Giám Mục Fabbro quản nhiệm giáo phận London, Canada cảnh báo người Công Giáo trong giáo phận rằng MDM không được Giáo Hội chuẩn nhận. Quả thực, các giám mục nghiên cứu những thông điệp của bà đã tuyên cáo rằng Thông điệp này là dị giáo và ngăn cấm các linh mục tham gia hay hợp tác công việc có liên quan tới Maria Divine Mercy vì những lời tiên tri chứa đựng những chất liệu vừa dối trá vừa trái với giáo lý Công Giáo. Tín hữu nên biết rằng hậu quả tin theo những lời dạy của bà sẽ có thể dẫn đến tội trọng."

"Giám Mục Fabbro cảnh báo người Công Giáo rằng họ không nên hợp tác với Maria Divine Mercy và cũng đừng tin vào những sứ điệp của bà." (THS)

Message of Bishop Fabbro

“Bishop Fabbro has been asked concerning a meeting about Maria Divine Mercy which is to take place at a house in Corunna on August 15, 2013.”

“Maria of Divine Mercy is a woman who chooses to remain anonymous and has made claims of alleged privation revelations. Bishop Fabbro warns Catholics of the diocese that Maria of Divine Mercy has not received the Church’s approval. Indeed, Catholic bishops who have studied her teachings have declared that they are heretical and have forbidden priests to be involved with or cooperate in matters associated with Maria of Divine Mercy. Her prophecies contain material that is both false and contrary to Catholic teaching. The faithful should know that adhering to her teachings can result in grave sin.”

“Bishop Fabbro warns Catholics that they should not be involved with Maria of Divine Mercy nor should they give credence to her messages.”

2. CÂU TRẢ LỜI CỦA LINH MỤC KHẤT TUỆ:
Hỏi:
Kính thưa Quý Cha!
Thời gian gần đây Giáo xứ chúng con đang xì xào rất nhiều về các sứ điệp của Đức Mẹ lấy từ trang sudieptutroi.net.
Điều này đã gây không ít hoang mang và chia rẽ trong Giáo xứ Tam Hải của con.
Xin Quý Cha cho con lời khuyên về Vấn đề này!
Con cảm ơn Quý Cha.

Đáp:
Bạn Phước Hòa thân mến,

Điều bạn thắc mắc liên quan đến hai chữ "mạc khải," tiếng Latin là revelatio, từ động từ revelare, có nghĩa là "cất màn che đi, mở màn ra (kéo màn ra)". "Mạc khải" là từ Hán Việt, ghép từ chữ "mạc" nghĩa là "cái màn," và "khải" nghĩa là mở ra. Theo Đức Tin Kitô giáo, Mạc Khải chính là sự tỏ lộ những bí nhiệm siêu nhiên của Thiên Chúa cho con người, vốn theo lẽ tự nhiên con người không thể thấu hiểu được. Thiên Chúa Mạc Khải là Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tiến trình con người nhận thức sự có mặt và hoạt động của Người trong vũ trụ và nhân loại. 

Có hai loại mạc khải, Mạc Khải chung và riêng (còn gọi là tư). Thiên Chúa đã tiết lộ chính Ngài và ý muốn của Ngài cho con người để giải thoát con người, gọi là Mạc Khải chung. Mạc Khải này chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, và Hội Thánh Công Giáo có nhiệm vụ bảo vệ và giái thích loại mạc khải này cho nhân loại. Còn mạc khải tư là sự tiết lộ, hay bày tỏ ý muốn nào đó của Thiên Chúa cho một số cá nhân nào đó vì lợi ích linh hồn của họ hay của tha nhân. Hội Thánh đòi hỏi mọi Kitô hữu phải tin vào Mạc Khải chung (tín lý, tín điều) bằng đức tin, nhưng với mạc khải tư, thì Kitô hữu tin tưởng hay không tin tưởng cũng không quan trọng (không bắt buộc). 

Hiện nay chúng ta tiếp cận rất nhiều tư tưởng về đạo trong vô số những sách nhà đạo, vốn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thiên Chúa và về con người, về thần học cũng như về triết học. Đó là những công trình (lao công) của con người, trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, hầu cho con người hiểu được tình yêu Thiên Chúa và vì thế đi đến ơn cứu rỗi. 

Thế nhưng, trong mọi sách Công Giáo, phải kể đến sách Kinh Thánh, là sách quan trọng nhất và cần thiết nhất cho mọi Kitô hữu. Đây chính là cuốn sách được chính Chúa Thánh Thần linh ứng để tác giả con người cầm bút và viết xuống. 

Trong thời đại hôm nay, càng ngày chúng ta chứng kiến rất nhiều giáo phái ra đời, cũng như rất nhiều tư tưởng, sách vở đã và đang phổ biến trên toàn thế giới, nhất là với truyền thông đại chúng phát triển như hôm nay (internet, tivi, báo chí...), cho nên Hội Thánh vẫn luôn cảnh tỉnh chúng ta bằng nhiều cách, qua thông điệp, huấn từ, bài giảng của Đức Giáo Hoàng, giám mục, linh mục.

Trở lại câu hỏi của bạn, là câu hỏi về mạc khải tư trong trang web "sudieptutroi.com" (hoặc trong bất kỳ tài liệu nào, trang web nào khác), đã làm không ít Kitô hữu đơn sơ chất phác cảm thấy hoang mang và lo lắng. Điều này cũng có lợi nhưng cũng rất hại cho phần rỗi linh hồn của bạn. Lợi là (nếu có) những điều ấy làm cho người ta sống đạo đức hơn, yêu thương hơn, bình an hơn, nhưng sẽ có hại nếu sau khi đọc nó, người ta cảm thấy hoài nghi tất cả, lung lay, hay sợ hãi, lo lắng thái quá, nhất là cảm thấy Chúa như là vị quan tòa hà khắc và dữ tợn, chỉ thích trả thù con người... Điều này không đúng như Mạc Khải chung trình bày. Điều này cũng không đúng với cốt lõi của Kitô giáo, mà khởi đi từ một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và yêu thương.

Trên hết và trước hết, chúng ta hãy bám vào nguyên tắc căn bản, đó là Mạc Khải chung đã hoàn tất rồi (trong Kinh Thánh, qua Ngôi Lời đã làm người, là Đức Giêsu Kitô). Nếu lúc này đây, hay về sau đi nữa, có những mạc khải tư xuất hiện, thì mạc khải ấy không bao giờ thêm hay bớt sự gì trong Mạc Khải chung nữa (là Kinh Thánh và Thánh Truyền: Không thay đổi dù "một chấm một phẩy..."), nếu là mạc khải tư thật sự mà Hội Thánh Công giáo nhìn nhận, thì đó cũng chỉ là những lời nhắc nhở lại, gợi nhớ lại những gì mà Mạc Khải chung đã từng trình bày, nhưng con người đang sao lãng hay không biết đến. Chẳng hạn như Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Bồ Đào Nha, kêu gọi con người hãy sám hối, trở về với Chúa, cũng là sự nhắc lại những gì mà Kinh Thánh (Cựu Ước lẫn Tân Ước) đã nói và cảnh tỉnh nhân loại (ví dụ: Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin; Đứa con hoang đàng trở về, các Bài Đọc và Tin Mừng trong Lễ Tro, Mùa Chay...).

Hơn nữa, chúng ta không vì thế chú trọng đến Mạc Khải chung mà lại xem thường mạc khải tư. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, chỉ khi giáo quyền lên tiếng và đón nhận đó chính là mạc khải "tư", thì chúng ta mới cần tìm hiểu và đọc (nếu muốn, chứ Hội Thánh không buộc). 

Ngày nay có rất nhiều cá nhân đang xuất bản sách, hay viết trên mạng về bản thân mình được "mạc khải tư", nhưng thực ra không phải, mà chỉ vì họ muốn làm kinh doanh, hay vì lý do nào đó, như muốn gây bầu khí hoang mang và ngờ vực trong Hội Thánh, mất niềm tin nơi nhau, nơi Chúa, hoặc lôi kéo đi theo giáo phái nào đó chẳng hạn (một cách tinh vi) Bạn có thể nhận biết rõ hơn về giá trị của nó sau khi đọc và quy chiếu nó trên nền tảng Kinh Thánh (Mạc Khải chung) và giáo huấn Hội Thánh Công Giáo. Nếu những gì bạn đọc thấy, mà sai lệch với những gì mà Hội Thánh đưa ra, thì điều mà gọi là "mạc khải tư" ấy sẽ không là theo ý Chúa muốn, hay sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của bạn về sau. Chẳng hạn, Hội Thánh đã cho phép tín hữu rước Lễ trên tay, nhưng bạn đọc đâu đó cho thấy rằng "Rước lễ trên tay là không được, là xuống hỏa ngục...", hoặc "Đức Thánh Cha... là tay sai cho Satan..." nhưng mạc khải Kinh Thánh cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động rất lạ lùng trong Hội Thánh qua những vị mà Ngài chọn. 

Bạn, cùng với những Kitô hữu khác, phải thật khôn ngoan và tỉnh thức, vì nhiều bài viết và những tư tưởng đó đây (mà tự cho là Chúa đã mạc khải!) thoạt tiên được trình bày rất đạo đức, và chê ghét Satan, bạn sẽ nhận thấy chúng rất ư là hợp lý. Nhưng khi đọc xong, bạn cảm thấy tâm hồn mình ra nặng nề, sợ hãi, xem thường thế gian này, cho mọi người đều là ma quỷ, hạ phẩm giá những vị có chức thánh, gây chia rẽ trong cộng đoàn, hàng xóm, sống trong ganh ghét, khinh miệt, không tôn trọng nhau nữa... Đây cũng là chiêu bài của ma quỷ xảo quyệt, để làm cho các con cái Chúa không còn tin vào phẩm trật của Hội Thánh nữa (khi đã không tin vào phẩm trật, con người sẽ không tin vào Chúa Thánh Thần, và từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác), cũng như không muốn xây dựng cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn trong chương trình sáng tạo của Chúa (xin đọc: Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay, của Công Đồng Vatican II).

Ước mong sao, chúng ta càng ngày yêu thích đọc Kinh Thánh, vì đó là "Lời Chúa." Càng đọc va suy gẫm, chúng ta sẽ càng thấy thấm thía và tâm hồn bình an (bình an nội tâm). Ngòai ra, chúng ta cần theo dõi thêm các tài liệu mà Hội Thánh đã, đang, và sẽ bày tỏ cho nhân loại. Thật thế, chúng ta có thể bỏ ra hàng mấy đời cũng không thể hiểu hết Chân Lý chứa đựng trong Kinh Thánh, cũng như những suy tư thần học trong các thông điệp, Công Đồng Vatican II... của Hội Thánh. Chúng ta không cần hao phí nhiều thời gian và đào sâu vào các mạc khải tư làm gì, vì mạc khải ấy như là hoa lá cành hầu làm tăng vẻ đẹp của cây cối mà thôi (có nghĩa là, chúng làm cho một số người bình dân hiểu rõ hơn mạc khải Kinh Thánh). 
Chúng ta hãy cầu nguyện, xin ơn hiểu biết, khôn ngoan, sáng suốt (ơn Chúa Thánh Thần) khi sống trong thời đại này. Hãy cẩn thận nếu bất cứ tư tưởng nào làm bạn hoang mang, ngờ vực, sợ Chúa phạt, sợ hỏa ngục... để rồi cuộc đời bạn trở nên bối rối, bất an, lo âu, căng thẳng, và vì thế sẽ không thể "sống và sống dồi dào" (Ga 10,10) như ý Chúa mong muốn. Đứng trước tư tưởng mới lạ, chúng ta hãy nhận biết đâu là chính (nền tảng Kinh Thánh) và đâu là tùy (mạc khải tư, sách vở, tư tưởng con người...).

Chúc bạn mãi bình an trong niềm tín thác vào Chúa thương xót và yêu thương. 

Lm. Khất Tuệ
Tham khảo:
- Bộ Giáo Luật HTCG (dạng pdf): www.thanhlinh.net/node/43449

Con cảm ơn Cha rất nhiều! Qua bài viết này con tin là sẽ giúp ích rất nhiều cho ACE chúng con.
Xin CHÚA chúc lành cho Cha và xin Cha củng Cầu nguyện cho chúng con!

3. CÂU TRẢ LỜI CỦA DR MARK MIRAVALLE - Giáo sư Thần Học và Thánh mẫu Học
ĐÁNH GIÁ THẦN HỌC VỀ MARIA DIVINE MERCY
“Maria Divine Mercy”: A Theological Evaluation
(Chú thích: Trường hợp của một phụ nữ tự gọi mình là “Maria Divine Mercy” (MDM), “Thiên Thần Thổi Loa Thứ 7”, và người VN gọi là “Sứ Điệp Từ Trời”)

Sau đây là đệ trình sơ bộ những quy tắc để đánh giá những thông điệp tư được báo cáo (cũng cố bởi công Ðồng Vatican về Tín Lý và Ðức Tin, tháng 11 năm 1974) về những thông điệp được báo cáo về người phụ nữ tự quy mình là “Maria Divine Mercy.” Là người đã và đang phục vụ trong nhiều sứ vụ thần học trong việc nghiên cứu với tầm vóc quốc tế có thẩm quyền chính đáng của Giáo Hội, tôi sẽ theo một hình thức cô đọng, phương pháp phân tích và đánh giá tương tự theo tiêu chuẩn của những nghiên cứu chính quy của Giáo Hội. 

Như thế chúng ta hãy cũng nhau kiểm tra những thông điệp đã được báo cáo và những hoạt động xác đáng của “Maria Divine Mercy” dưới ánh sáng tiêu chuẩn theo nền tảng Giáo Hội về tính xác thực.

Nhà Thánh Mẫu Học trứ danh người pháp, linh mục Rene Laurentin đã khéo léo tổng kết những quy tắc đánh giá của Giáo Hội về những mặc khải tư được báo cáo có thể được tổng hợp theo ba tiêu chuẩn căn bản như sau: 

1) Thông điệp viện dẫn có phù hợp với những giáo huấn về đức tin và luân lý chính thức của Giáo Hội hay không?

2) Hiện tượng được báo cáo (trạng thái xuất thần, cách thức truyền đạt thông tin v.v…) có thống nhất với truyền thống thần bí của Giáo Hội không? 

3) Thông điệp được báo cáo có đem lại những hoa quả theo tinh thần Kitô giáo luôn luôn đi kèm với thông điệp xác thực siêu tự nhiên, như đã được xác định bởi lời Chúa Giêsu: “cây nào sinh quả nấy” (Mt. 12,33): sự hoán cải lớn lao; tinh thần bình an; niềm vui tâm linh; đức tin, cậy, mến mới hay sự canh tân đức tin, cậy, mến; và sự trung thành và hiệp nhất lớn lao hơn với Giáo Hội hay không?

Không may, những thông điệp của Maria Divine Mercy, cũng như những hành động của người được coi là tiên tri đó, bao gồm nhiều thực tế sai lầm nặng nề theo tính cách thần học, lịch sử với hơn 650 cái được cho là thông điệp – những sai lầm mâu thuẩn với những giáo huấn về tín lý của Giáo Hội Công Giáo, với truyền thống thần bí của mặc khải tư xác thực của Giáo Hội Công Giáo, với những tiên đoán mà nó chứa đựng, và với hoa quả tâm linh điển hình về sự bình an, bác ái và niềm vui đến với thông điệp thật từ thiên đàng.

Sau đây là một vài mẫu về những sai lầm phổ biến và nghiêm trọng như sau:

1. Việc nhấn mạnh tới Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là vị “Giáo Hoàng thật cuối cùng trên trái đất” và vị “Giáo Hoàng kế vị” sẽ là “Tiên Tri Giả” : “Vị Giáo Hoàng Bênêdict XVI thân yêu của Ta là vị Giáo Hoàng thật cuối cùng trên trái đất… vị Giáo Hoàng Kế Vị có thể được bầu ra bởi những thành phần bên trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng ông ta sẽ là Tiên Tri Giả” (ngày 12 tháng 4 năm 2012).

Thông điệp này mâu thuẩn trực tiếp với những giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự hợp pháp và hiệu lực của vị Giáo Hoàng được chọn. Thông điệp hàm ý là một “ngụy giáo hoàng” có thể đến từ một hội nghị hồng y có cơ sở vững chắc, lại tạo ra một ngôi vị ngụy tạo hay “dị giáo.” Cái gọi là thông điệp tiếp tục tuyên bố, qua việc diễn dịch, rằng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô là bằng chứng của “Tiên Tri Giả.” Tất cả những việc này là sự chối bỏ đáng khiển trách những hội đồng (trong giáo hội), giáo lý, và luật Canon về tính pháp lý và hiệu lực của vị Giáo Hoàng được chọn và việc đáp trả đúng đắn về “sự đồng thuận tôn giáo trong tâm trí và tâm hồn của định kiến hiển nhiên về đức giáo hoàng, ngay cả khi ngài tuyệt đối không nói” (Công đồng Vatican 2, Lumen Gentium 25), mà mỗi thành phần tín hữu trong giáo hội công giáo buộc phải dâng lên cho Ðức Thánh Cha đương nhiệm.

Thông điệp sai lầm này cực kỳ nguy hiểm cho các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, khi nó truyền đi nguy cơ dẫn đến hình thức “ly giáo” hay tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo, mà việc “chối bỏ sự quy phục vị giáo hoàng tối cao hay sự hiệp thông với các thành phần của Giáo Hội dưới quyền Ngài” (Canon [CIC] n. 751). Chọn lựa sự ly giáo của bất kỳ người công giáo nào dẫn đến kết qủa bi thảm là việc dứt phép thông công và không được lãnh nhận các Bí Tích (xem CIC 1364 .1).

Thông điệp sai lầm này không chỉ từ chối chức vị Giáo Hoàng thật của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, khi Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô tuyên thệ phục tùng vị giaó hoàng kế vị vào ngày mà Ngài tự ý từ nhiệm (không phải bị ép buộc “trục xuất” như cái gọi là thông điệp ngụ ý) vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, và cũng một lần nữa ngài thề hoàn toàn vâng phục Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trước khi Ngài trình diện trong giao điểm hội ngộ lịch sử của các vị vào ngày 23 tháng 3 năm 2013.

2. Một hình thức dị giáo được biết đến như Millenarianism (thuyết tin về sự chuyển hoá của xã hội loài người theo chu kỳ 1,000 năm) hiện diện trong nhiều chiều kích của những cái gọi là thông điệp này, những thông điệp nhấn mạnh rằng sẽ có một kỳ hạn đúng “1,000 năm” hiển trị của Chúa Giêsu trên trái đất (thông điệp ngày 9 tháng 4 năm 2013), trong thời gian này sẽ không có đức giáo hoàng trên trái đất, nhưng hơn nữa là một hình thức cai trị (papacy) theo đó Thánh Phêrô sẽ thống trị Giáo Hội từ thiên đàng theo kiểu “Thiên đàng địa giới” (thông điệp 89,124,141,88,109,111,251,258).

Giáo Hội Công Giáo có quyền kết án thuyết Millenarianism và khái niệm thời kỳ đúng 1,000 năm mà Chúa Giêsu sẽ thống trị nơi thiên đàng trên trái đất (Xem Giáo Lý Công Giáo, n.676). Khái niệm 1,000 năm hiện hữu của trái đất không có vị giáo hoàng nhìn thấy được trên trái đất là thực hành việc vi phạm lời hứa của Chúa Giêsu với Thánh Phêrô (cf. Mt 16: 15-20), cũng như tuyệt đối không chứng minh được về nguồn gốc Mặc Khải của Chúa. Ðiều gọi là tiên tri này biểu hiện việc giải thích cực đoan về những lời tiên tri khác nhau về Đức Giáo Hoàng, hơn bất cứ điều gì khác có thể chấp nhận được bởi một người tín hữu Công giáo.

3. Chối bỏ sự quan trọng của việc đánh giá của Giáo Hội về cái gọi là thông điệp này.

Những cái gọi là thông điệp này từ chối sự quan trọng của những nghiêng cứu và đánh giá theo sau đó về tính chân thực của cái gọi là thông điệp này, khi nói rõ rằng sự chấp thuận của Giáo Hội về những thông điệp này “không quan trọng”: “Giáo Hội xác nhận những thông điệp hay không là không quan trọng vì thời gian không ở về phía họ.” (thông điệp ngày 9 tháng 7 năm 2011).

Cái nhìn này không thể được xem là thống nhất với mặc khải tư thật của Giáo Hội Công Giáo, vốn luôn luôn hướng dẫn tiên tri thật đệ trình những thông điệp cho người có thẩm quyền chính thức của Giáo Hội, ngay cả khi Thiên Ðàng biết rằng những thông điệp sẽ không được chấp nhận ngay tức khắc bởi những người có thẩm quyền thích đáng của Giáo Hội khi được đệ trình lên lần thứ nhất (như đước thấy trong ví dụ ở Guadalupe wới Thánh Juan Diego, và ở Lourdes với Thánh Bernadette).

4. Việc từ chối của người gọi là tiên tri trong việc nhận diện và trình diện với người có thẩm quyền chính đáng ở Giáo Hội địa phương để được đánh giá bởi những nhà thần học, tâm lý học và khoa học, trong khi cùng lúc đó lại phổ biến những cái gọi là thông điệp trên bình diện quốc tế bằng internet và những bản in.

Tương tự như sự khác biệt với những đặc đểm trên đây, vị tiên tri này, trong khi phổ biến những cái gọi là thông điệp như những thông điệp siêu nhiên thật từ trời, lại từ chối không phục tùng và đáp trả bằng việc vâng theo bản quyền địa phương để được phân định về tính xác thực cách chính đáng. Vi tiên tri hoạt động ở vùng Dublin, Ái Nhĩ Lan, và vì thế phải trình những thông điệp, cũng như chính bản thân, để được kiểm tra chính đáng bởi giáo sĩ ở Giáo Phận Dublin.

Việc từ chối của người tiên tri trong việc vâng lời trình diện bản thân với người có thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội để được phân định đúng đắn loại trừ khả năng hợp tác với tiêu chuẩn thứ hai để được đánh giá về tính xác thực v.v…, hiện tượng đồng tình này có tính chất tiêu biếu đi kèm với sự kết hiệp siêu nhiên. Chúa Giêsu là Ánh Sáng thế gian và mời gọi những ai phụng sự Ngài ở trong ánh sáng. Kẻ đối nghịch với ngài, trái lại, lại hoạt động trong bóng tối.

5. Những sai lầm về thần học, ví dụ như, việc nói rõ rằng Cha Trên Trời “đến nhân danh Giêsu” hơn nữa là Chúa Giêsu, đến nhân danh Cha, hay Cha đến với chính Danh Ngài. Việc nhấn mạnh dẫn đến sự lộn xộn và mâu thuẩn với công thức cổ truyền của Chúa Ba Ngôi. Hơn thế nữa, những lời tuyên bố bảo vệ “sự lộn xộn” hiện diện trong những thông điệp bằng việc tuyên xưng, thí dụ như, “tình yêu là sự xáo trộn” (thông điệp 45) cũng đối chọi với đặc tính của lời tiên tri thật. Chúa Giêsu nói với sự đơn sơ và rõ ràng sâu thẳm; Satan thì nuôi dưỡng sự lộn xộn.

6. Không ứng nghiệm lời tiên tri về “cuộc cảnh cáo” phải xảy ra trong “vài tháng” sau ngày 31 tháng 5 năm 2011.

Thông điệp ngày 31 tháng 5 năm 2011 kêu gọi người ta chuẩn bị cho “Cuộc Cảnh Cáo” (ơn Chúa ban về việc “soi sáng lương tâm,” tiên báo về những sự việc đặt cơ sở trên những thông điệp của Ðức Mẹ) sẽ xảy ra “trong vài tháng” kể từ ngày 31 tháng 5 năm 2011: “Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ cho biến cố [cảnh cáo] vì các con chỉ còn vài tháng còn lại để chuẩn bị linh hồn các con” (ngày 31 tháng 5 năm 2011). Biến cố được tiên báo đã không xảy ra trong vài tháng, hay ngay cả một năm, sau điều được tiên báo ngày 31 tháng 5 năm 2011.

7. Sự vắng mặt của hoa quả thật của tinh thần Kitô Giáo như sự bình an, niềm vui, và lòng trông cậy và yêu mến; và thay thế vào đó, là biểu hiện của sự sự hãi, áy náy và ảnh hưỏng tiêu cực lớn hơn.

Sự sợ hãy sinh ra sắc thái báo thù, tức giận, phán xét, và, tai họa của Chúa và đề tài chủ yếu đặt vào vào cái gọi là lời Chúa Cha và Chúa Giêsu. Những cái gọi là thông điệp được lập đi lập lại cổ vũ sự tiêu cực cường điệu hóa sự kết án và phán xét vời lời lẽ và biểu hiện sự giải thích sai lầm nặng nề về lòng thương xót và tình yêu thương vô biên của Chúa Cha và Chúa Con. Vì dụ như, những cái gọi là thông điệp từ Chúa Giêsu nói rằng “Những ai nói rằng họ theo những giáo huấn của Ta, nhưng muốn thay đổi lề luật để bỏ qua những hành động, là tội lỗi trong Mắt Ta, hãy ra khỏi Giáo Hội của Ta ngay;” hay cái gọi là Chúa Cha nói về việc gởi các linh hồn xuống Hỏa Ngục khi họ “sẽ xé rách mắt của họ ra” không liền lạc với những thông điệp thật khác của Chúa Giêsu và Chúa Cha.

Ngay cả khi Chúa Giêsu, Chúa Cha và Ðức Maria phải truyền đạt những thông điệp bao gồm những lời tuyên bố cứng rắn về điều kiện của cuộc trừng phạt và thanh tẩy sắp tới (trình bày, ví dụ, trong những thông điệp về Lòng Thương Xót hay Fatima) những thông điệp này luôn luôn chuyên chở với sắc thái tổng quát và mạch văn hòa bình, yêu thương, khuyến khích và ngay cả sự hoan lạc. Những đặc tính tâm linh xứng hợp này và hoa quả tương ứng về tâm linh thực sự thiếu vắng từ những cái gọi là thông điệp này, và cũng có vẻ như thiếu vắng một số những ý nghĩa quan trọng của những đề xướng của cái gọi là thông điệp này.

Với những sai lầm hiển nhiên về thần học và những bằng chứng sai lầm hiện diện trong những cái gọi là thông điệp này của “Maria Divine Mercy,” làm sao và tại sao những cái gọi là thông điệp này lại tiếp tục được mở rộng cho những giáo sư và phó giáo sư trong số nhiều người Công Giáo hay những người có thiện chí, đa số những người vẫn quy phục quyền bính của Giáo Hội, cũng như sở hữu một phần và tận hiến đích thực cho Ðức Maria?

Ðiều này chính xác vì những cái gọi là thông điệp này chứa đựng vài thành phần mà nhiều độc giả có thể nhận thức đó là sự thật khi đánh giá nhất thời “những dấu hiệu của thời đại” (Một bản định giá được kêu gọi bởi CÔng Ðồng Vatican 2, Gaudium et Spes, n.4): sự lan rộng những khủng hoảng về đức tin và luân lý trong Giáo Hội Công Giáo và trong xã hội toàn cầu; khủng hoảng kinh tế và xã hội toàn cầu chưa từng thấy; mâu thuẫn địa lý- chính trị khắp nơi ở Trung Ðông và trên hết; thảm họa thiên nhiên chưa từng thấy; gần nhất là khả năng của vũ khí nguyên tử được xử dụng ở Bắc Hàn, Iran, Pakistan v.v…

Ðể nhận thức và nhìn nhận tính lịch sử và thách thức của thời đại mà chúng ta đang sống là tuyệt đối chấp nhận được, và theo tôi, là một bản định giá trung thực và chính xác nhất thời về “dấu hiệu của thời đại.” Chấp nhận một cái gọi là thông điệp sai lầm to lớn về thần học và việc vâng theo Giáo Hội là một sai lầm nặng nề và nguy hiểm.

Có sự khác biệt quan trọng về luân lý giữa việc nhận thức sự tính nghiêm trọng của những dấu chỉ toàn cầu vốn mời gọi thế giới cấp bách hoán cải, và bằng cách đó chấp nhận lòng thương xót vô bờ của Chúa bằng cách đáp trả với lòng tin với những thông điệp siêu nhiên chính đáng của Chúa Giêsu và Ðức Maria cho nhân loại đương thời, bao gồm việc thấu hiểu được “sự cảnh cáo” của Chúa, lẫn vũ trụ và cá nhân; và; mặc khác, lại chấp nhận và hợp tác với thông điệp sai lầm cướp đoạt từ những thông điệp chân thật đương thời của Chúa Giêsu và Ðức Maria, và vì thế làm cho chúng bị ô uế với những hướng dẫn sai lầm về phía không vâng lời Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và quyền bính hợp pháp của Giáo Hội, từ chối giáo lý Công Giáo cổ truyền và tryền thống thần bí thật trước đây, và khuyến khích sự sợ hãi và áy náy đặt cơ sở tên việc đáp ứng với tình huống của toàn cầu hiện nay.

Sự nguy hiểm duy nhất có trong thông điệp sai lầm này, theo tôi, là cái gọi là sự minh chứng cho những người Công Giáo thấy là đúng khi đặt một mặc khải cá nhân sai lầm lên trên quyền bính mà Chúa ban cho vị Giáo Hoàng đương nhiệm như người Ðại Diện của Chúa Kitô trên trái đất.

Mỉa mai thay, cái gọi là thông điệp này lại tiên đoán một sự ly giáo sẽ đến trong Giáo hội. Ðiều này sẽ trở nên sự ứng nghiệm tốt đẹp cho lời tiên tri, một mục tiêu của Satan và là chiến thuật, mà kết quả sẽ là, một phần nào đó, khi theo những thông điệp cụ thể có khuynh hướng ly khai cực đoan và nguy hiểm này như những gì đã được truyền bá bởi “Maria Divine Mercy.”
Thực tế, theo tôi, với kinh nghiệm thời nay với những thách thức và thay đổi hiện tại được nghiệm thấy trong Giáo Hội và trên thế giới, chắc rằng sẽ có thêm những thông điệp sai lầm trong thời gian sắp tới – những thông điệp sai lầm với trộn lẫn với những nội dung thật – để phục vụ cho những mục tiêu ma quỷ để làm cho chúng ta xao lãng với quyền bính và giáo lý của Giáo Hội chân thật, và với những thông điệp chân thật từ Thiên Ðàng trong thời đại chúng ta. Ðiều này chỉ có thể được chống lại và chữa trị bởi sự đồng thuận có tính cách canh tân về việc vâng lời người Cha Thiêng Liêng của chúng ta, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, và tất cả quyền bính của Giáo Hội hợp pháp.

Chúng ta hãy cùng nhau hiệp ý nhiệt tình cầu nguyện cho người Cha Thiêng Liêng của chúng ta, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô; cho Giáo Hội Công Giáo của chúng ta; cho sự chiến thắng Khải Hoàng của Lòng Thương Xót và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyện Tội của Mẹ Maria như nền tảng của những thông điệp chân thực đương thời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria; và cho sự hoán cải trong hoà bình và sự giao hoà của người gọi là tiên tri và tất cả những người hổ trợ cho bà trong tâm hồn, sự vâng phục và hiệp nhất với Giáo Hội. 

Công bố ngày 29 tháng 3 năm 2013
Dr. Miravalle, tiến sĩ Thánh Mẫu học

4. Nhận xét của giáo dân: Cúc Nguyễn
HÃY QUAY VỀ !!!
Cúc Nguyễn
Bạn đọc thân mến,

Chúng tôi xin gởi đến các bạn đôi dòng nhận định về những thông điệp của Maria Divine Mercy (MDM). 

Chúng ta tự nhủ, ma quỷ không dạy ai đọc kinh bao giờ, không bao giờ nói về tình yêu Thiên Chúa, không bao giờ vạch ra những khuynh hướng cám dỗ của chúng qua các chủ tuyết Thời Ðại Mới, phái Không Thể Biết, Yoga, Thiền, Bói Toán, qua nhạc trẻ, sách báo, phim ảnh xấu, thời trang…

Nhưng trong trường hợp này chúng ta đã lầm. Xen kẽ vào những giáo huấn xem ra thuần túy đạo đức đó nó chen vào những chuyện động trời, hoàn toàn không có thật mà người đọc rất dễ bị đánh lừa. Những điều không có thật lập đi lập lại nhiều lần xen kẽ vào những chân lý với giọng văn cuốn hút ru hồn người đọc với danh xưng Chúa Giêsu của các con, Thiên Chúa tối Cao, Mẹ của Ơn Cứu Ðộ… đã đưa chúng ta vào cạm bẩy.

Sự dối trá lớn lao nhất chúng vẽ ra là chìa khóa Vatican đã được trao lại cho Ðức Chúa Cha và Ðức Giáo Hoàng Phanxicô Ðệ Nhất là Tiên Tri Giả được bè phái Tam Ðiểm đưa lên và đã cướp ngôi của Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI.

Thế rồi, chìa khóa của Vatican được trao cho MDM để bà lèo lái cả giáo hội! Những thông điệp của bà bao gồm hơn một trăm “chiến dịch cầu nguyện” và “kinh cầu” với những “ơn xá,” và ngay cả “bí tích giải tội,” những gì mà xưa nay chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới được quyền phê chuẩn và chỉ có linh mục mới được phép cử hành. Những người tin và theo MDM được khuyên là nên “đọc những Chiến Dịch Cầu Nguyện này hằng ngày,” theo nhóm” để được “Ðóng Ấn bởi Thiên Chúa Hằng Sống, giảm thiểu tất cả những tai ương, chiến tranh, tội lỗi, nạn đói, miễn trừ tất cả tội lỗi và đưa tất cả những người thân của chúng ta lên thiên đàng... Giấc mơ quá đẹp mà ai cũng ao ước trong khi thiên tai, chiến tranh, tình hình kinh tế không ổn định, bạo động, giết người và tội lỗi… đang xảy ra và lan tràn nhan nhãn khắp nơi.

Tất cả chúng ta ai ai cũng yêu mến Ðức Giáo Hoàng Bênêđicto XVI, nhưng ngài phải từ nhiệm vì hai lý do chính. Thứ nhất là do vụ tai tiếng về tài chính bên trong nội bộ Vatican và thứ hai sự việc nhiều vị giáo hoàng trong nhiều triều đại đã bao che, bảo vệ và thuyên chuyển các linh mục phạm tội xách nhiễu tình dục thay vì giao các vị này cho toà án xét xử như mọi người công dân bình thường khác. Ðiều này bất công đối với xã hội mà con số đó lại không nhỏ. Vì là người đại diện của Hội Thánh, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô phải chịu trách nhiệm và phải từ nhiệm. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô Ðệ Nhất là vị Giáo Hoàng được hội đồng giám mục bầu lên chớ không phải do Tam Ðiểm đưa lên như MDM khẳng định.

Khi tin theo những thông điệp của MDM, chúng ta tự ý tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã, chống đối và thách thức vị Giáo Hoàng đương nhiệm, và gây ra xáo trộn, chia rẽ trong cộng đồng dân Chúa khắp nơi.

Hơn thế nữa, theo đề nghị của bà, mọi người trong chúng ta lại còn phải truyền bá chủ thuyết này cho cả thế giới, mọi ngôn ngữ, tôn giáo, dân tộc, mọi tầng lớp trong xã hội và nhất là hàng giáo phẩm. Như thế, tất cả sẽ cùng lên án Ðức Giáo Hoàng của chúng ta là con sói đội lốt chiên, là tiên tri giả xấu xa và xảo quyệt sẽ cấu kết với tên phản chúa mà tiêu diệt mọi người trên thế giới cả hồn lẫn xác!

Bà khẳng định rằng khi đọc những thông điệp này người đọc sẽ tự động hiểu không cần giải thích, không cần phân bua. Bất cứ người nào theo tôn giáo nào kể cả người vô thần cũng được Chúa Thánh Thần soi sáng để hiểu được đúng như Ý Chúa muốn!

Thực tế thì chúng ta đã thấy như thế nào? Mỗi người hiểu một cách khác nhau. Nhiều nhóm cầu nguyện lớn và thánh thiện bỗng chia làm hai phe không ngồi lại với nhau và đọc kinh chung với nhau nữa. Lý do là vì một nữa tin ÐGH và nữa kia thì không. Người ta chế giễu, nhạo báng, tấn công lẫn nhau gọi nhau là Satan, ma quỷ…

Trong không khí hoang mang xáo trộn đó một số người lại đi lục tìm thêm chân lý ở những lý thuyết không an toàn khác, chắp nối vụng về những lời tiên tri từ nhiều thị nhân thật, giả khác nhau làm nên một bức tranh rối loạn về thời cuộc để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng con đường an toàn và đúng đắn duy nhất là tin theo MDM.

Xin các bạn hãy thức tĩnh và trở về với Sự Thật trước khi quá muộn. Trước khi lý thuyết này lan tràn và ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới của những người vô thần, đến với những người không có thiện cảm đạo kitô giáo, thì sự rối loạn do nó sinh ra không thể tưởng tượng được.

Nguyện xin ơn sủng của Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả chúng ta và gia đình bạn bè thân thuộc. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của tất cả chúng con, xin Mẹ ban ơn sáng soi và giữ gìn để tất cả chúng con biết nhìn nhận Sự Thật, hầu đoàn kết yêu thương nhau trong vòng tay yêu thương của Mẹ; cùng với Con Mẹ chúng con tán tụng quyền năng Thiên Chúa trước mọi mưu chước của kẻ thù. Alleluia !!!

NHỮNG SAI LẦM NGUY HIỂM CỦA SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI

Chào quý bạn,

Ðúng vậy, trong thông điệp của MDM đúng sai lẫn lộn nên mình không thể đánh giá là nó hoàn toàn sai được. Chúng tôi đã chia sẽ với nhiều người là nó đúng hơn 90%, sai rất ít mà những cái sai đó rất nguy hiểm và con đường nó dẫn mình đi là con đường hủy diệt.

Bài viết "Hãy quay về" của chúng tôi gởi ra trong thời gian gần đây đã nêu ra những sai lầm nguy hiểm của thông điệp MDM:

1. Qua các CDCN MDM đã tự động ban phát "ơn Toàn Xá" và "Bí Tích Giải Tội" cách tùy tiện không thông qua sự phê chuẩn của GH. (phạm điều răn thứ nhất: lạc giáo)

2. Chống đối Ðức Giáo Hoàng Phanxicô (điều răn thứ năm: xúc phạm đến danh dự người khác trong phạm vi lớn).

3. Gây xáo trộn và chia rẽ trầm trọng trong cộng đồng công giáo khắp nơi trên thế giới.

Cả ba điều này khiến chúng ta phạm vào cả hai giới răn quan trọng nhất là kính mến Chúa và yêu thương người.

Chúng tôi cũng đồng ý với nhiều người là chúng ta cần cầu nguyện và cầu nguyện nhiều trong lúc này. Chúa và Mẹ đã ban cho chúng ta những kinh nguyện rất mạnh mẽ không thể sai lầm là chuỗi Kinh Mân Côi và chuỗi Kinh Lòng Thương Xót. Còn những ơn xá qua những kinh CDCN của MDM dạy không giống một kinh nào trong Giáo Hội từ xưa tới nay và chưa được giáo hội phê chuẩn nên Chúng tôi nghĩ là mình không nên đặt tất cả niềm tin vào đó.

Các nhóm CDCN tụ lại thường nói xấu và bêu rếu DGH thì đây là điều không nên làm tí nào cả nếu không nói là phạm các giới răn như Chúng tôi đã nêu lên trên đây.

Khúc sau này có những điểm rất phi lý từ thông điệp MDM là:

1. Không ai được đánh giá thông điệp nào là thật hay giả cả: như vậy MDM đã tước đi của chúng ta vũ khí mạnh mẽ nhất là "Ơn Phân Ðịnh" của Chúa Thánh Thần và "Ý Chí Tự Do" để chọn lựa.

2. Chỉ có một con đường sống là đi theo những giáo huấn của MDM mà thôi. Tất cả sẽ đi vào lò sát sinh nếu không theo những giáo huấn của bà.

Ðây là một sự dối trá nghiêm trọng. Thật ra, nếu có ngụy giáo hoàng xuất hiện thì qua những việc làm phản đạo (sửa đổi nghi thức truyền phép của Bí Tích Mình Thánh Chúa, du di, chấp nhận tội lỗi như không phải là tội lỗi nữa...), rất nhiều người sẽ nhận ra ngay chớ không cần phải tin vào MDM mới nhận ra được.

3. Ai đi theo DGH Benedict là con chiên và ai đi theo DGH Francis là con dê. Ðây cũng là một sự xúc phạm kinh khủng đến Giáo Hội. Mỗi ngày chúng ta đọc kinh tin kính "Tôi tin có Giáo Hội Duy Nhất..." chúng ta phải xác tín rằng Giáo Hội của Chúa là Giáo Hội luôn luôn thống nhất. Tiếng nói của những ai gây chia rẻ nhất định không phải là tiếng Chúa Chiên Lành của chúng ta!

Xưa nay giáo hội dạy rằng Chúa lựa ra con chiên là những người mà khi Ta đói cho Ta ăn... là những người biết yêu mến Chúa qua anh chị em mình chớ không phải những người gây chia rẽ, bè phái hay đi theo người này người nọ!

Xin Chúa đổ vào trái tim đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của chúng con Ánh Sáng, Ơn Sủng, Tình Yêu, Bình An và Ơn Cứu Rỗi của Ngài. Xin Mẹ Maria cùng đồng hành với chúng con luôn luôn. Amen.

thân mến,
Cúc Nguyễn

5. Nhận xét của giáo dân: Joseph V. Bùi

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TỰ BẢO VỆ MÌNH...
Joe Bùi
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TỰ BẢO VỆ MÌNH VÀ GIÚP NHỮNG NGƯỜI KHÁC KHỎI NHỮNG CẠM BẪY CỦA KẺ THÙ GH LÀ MA QUỶ?

Vô tri bất mộ. Chúng ta không thể yêu một người mà chúng ta không biết về người đó. Cái gọi là “tiếng sét ái tình” chỉ là một cảm xúc của thể lý và tâm lý chứ không phải là bản chất của tình yêu chân thật. Chúng ta không thể yêu mến Chúa, nếu chúng ta không biết về những Lời Ngài giảng dạy và những việc Ngài làm được mặc khải trong Kinh Thánh. Chúng ta không thể yêu mến GH của Ngài nếu chúng ta không biết về lịch sử của GH, về giáo lý và những lời giảng dạy của GH.

Giáo lý và tín lý CG là kết quả của những suy tư của một nền thần học do các thánh giáo phụ và những nhà triết gia và thần học gia lỗi lạc để lại cho GH trong hai ngàn năm qua. Thần học là một khoa học thánh, khoa học về tâm linh, khoa học về siêu nhiên, dựa trên triết lý và những sự mặc khải của Thiên Chúa trong GH của Ngài. Không như nhiều người lầm tưởng, khoa học siêu nhiên (thần học) này không bao giời đối nghịch hoặc mâu thuẫn với khoa học tự nhiên, trái lại cả hai đều có thể hỗ trợ và làm sáng tỏ hơn cho nhau. Ít nhất là chúng ta nên biết thần học căn bản về Kitô học, Giáo Hội học, và về Thánh Mẫu học, để chúng ta hiểu biết và yêu mến hơn đối với Đức Giêsu, GH và Mẹ Ngài. Sự hiểu biết về thần học sẽ giúp chúng ta hiểu biết giáo lý và tín lý rõ ràng hơn, nó sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những sự mê tín dị đoan phù phiếm trong đời sống đức tin, và nhất là nó sẽ giúp chúng ta biết nhận định những MKT nào đúng và những MKT nào sai (*).

Những sách thiêng liêng, những hạnh các thánh là những món ăn tinh thần giúp chúng ta tăng trường trong đời sống tâm linh. Thánh Inhaxio có những cách thức cho chúng ta biết phân biệt Thần Khí và tà khí để giúp chúng ta tránh khỏi những mưu chước của ma quỷ. Nếu chúng ta say mê đọc những thông điệp (hoặc những sách vở tài liệu vô bổ nguy hại), mà trong khi đó chúng ta không chịu học hỏi những điều căn bản như đã đề cập ở trên, thì rõ ràng là chúng ta đã phí phạm thì giờ và công sức cho một sự vô bổ và nguy hại. Người viết nói lên điều này do chính kinh nghiệm của mình, chứ không phải do người viết tự ý suy diễn. Người viết có lần nhận được một email của một việt kiều cư ngụ bên Pháp, bà nói là bà cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc sau khi bà bỏ đạo CG. Khi hỏi lý do tại sao bà bỏ đạo, bà trả lời là bà có đọc một cuốn sách rất hay, và nó làm cho bà bỏ đạo. Bà có cho người viết tên cuốn sách và tác giả, nhưng rất tiếc là bà không biết cuốn sách đó được viết bởi một người rất có thành kiến và ác cảm với đạo CG. Dù bà nói là bà cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng qua những lời bà viết trong email, người viết nhận thấy bà không hề có bình an thật sự, vì bà chỉ nói những điều tiêu cực, chê bai, trách móc Hội Thánh là Nhiệm Thể của Chúa Giêsu. Người viết đã giải thích những sự hiểu lầm của bà về GHCG, và hứa sẽ cầu nguyện cho bà. Sau đó thì người viết không còn nhận được email của bà nữa. Hy vọng là bà đã được bình an thật sự…! Ma qủy sẽ để yên cho những người sống xa lìa Chúa và GH, nhưng chúng sẽ không bao giờ để yên cho những người sống kết hiệp với Chúa và GH của Ngài, và đó là sự thật mà người viết đã từng được chứng kiến và cảm nghiệm trong cuộc sống! 

Tâm lý của đa số chúng ta là chỉ thích những tin tức gì có vẻ bí mật, nóng bỏng, giật gân, và nhất là những thông điệp mang tính cách tiên tri (những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai gần). Ma quỷ luôn lợi dụng tính tò mò này của chúng ta để chúng khai thác một cách triệt để. Bằng chứng điển hình là chúng ta thích chú tâm tìm hiểu về những bí mật của sứ điệp Fatima hơn là những lời khuyên nhủ của Mẹ. Vì bản tính tò mò tai hại này mà nhiều thầy bùa thầy pháp, thầy bói thầy ngãi, và những kẻ lừa đảo có cơ hội để sinh sống và phát triển. 

Một em bé trong lúc đang vui đùa, sẽ khó mà nghe lời mẹ nó kêu gọi để từ bỏ cuộc chơi mà đến với mẹ. Nhưng khi nó bị té ngã, nó sẽ tự động chạy đến trong vòng tay người mẹ để được an ủi vổ về; hoặc khi nó gặp sự đe dọa, sự nguy hiểm đang xảy tới, thì nó lập tức sẽ chạy đến bên người cha để được sự bảo bọc chở che. Chúng ta đối với Chúa và Mẹ cũng thế, vì cho dù chúng ta có sống đến mấy trăm tuổi, thì đối với các Ngài, chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ ham chơi và hay lơ đãng. Đôi khi chúng ta cũng cần phải có những biến cố thật nặng nề xảy đến cho chúng ta để giúp chúng ta quay về với các Ngài. Tất cả mọi sự đều bởi tình yêu của Chúa và Mẹ đối với con cái loài người của các Ngài mà thôi. Chân phước ĐTC Gioan Phaolo II đã nói: “Không những Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu Con Mẹ, chính Chúa Giêsu cũng dẫn dắt chúng ta đến với Mẹ Người” (**) 
Mới đây, trong bài gỉảng Thánh Lễ tại nhà nguyện của Nhà Trọ Thánh Martha ngày 4/5/2013, ĐGH Phancico đã nói: “Chúng ta hãy luôn hiền lành và khiêm nhường hầu có thể đánh bại những lời hứa trống rỗng và sự thù hận của thế giới.” Chỉ có bắt chước và cầu nguyện cùng Thánh Gia (Giêsu-Maria-Giuse) thì chúng ta mới học được bài học hiền lành và khiêm nhường (6). 

Thật ra, chúng ta không cần thiết phải đi tìm những MKT từ những người khác, vì mỗi người trong chúng ta đều được Chúa Thánh Linh luôn mặc khải trong suốt cuộc sống, chỉ có điều là chúng ta có nhận thấy những gì được Ngài mặc khải hay không mà thôi. Ngài mặc khải cho chúng ta qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống: những người chúng ta gặp gỡ, những đau yếu bệnh tật chúng ta mắc phải, những thất bại trong những dự án, khi thân nhân bạn hữu qua đời, khi bị người yêu ruồng bỏ, khi bị người khác hiểu lầm, khi no ấm cũng như lúc đói lạnh, khi được kính trọng cũng như lúc bị khinh chê, v.v…. và nhất là khi chúng ta cầu nguyện nói chuyện trực tiếp với Ngài. 

Trong tinh thần “chị ngã em nâng”, chúng ta luôn cầu nguyện cho nhau, vì sự cầu nguyện là điều quan trọng nhất giúp chúng ta luôn gắn bó với Chúa và Mẹ. Nếu chúng ta luôn cầu nguyện, thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ cần phải dùng những biến cố nặng nề thảm hại để thức tỉnh chúng ta. Nhiều người mất đức tin chỉ vì không cầu nguyện, và đó là một thực trạng trong xã hội yêu chuộng vật chất, tự do phóng túng, và tham lam quyền hành của thời nay. Một thế giới mà tình yêu đang ngày càng biến mất giống như màn đêm đang phủ xuống trên toàn thể địa cầu. Một khi tình yêu không còn nữa, người ta sẽ mất hết hy vọng, và người ta sẽ tự đi tìm cái chết để mong được giải thoát. Gần đây, tin tức về những thanh thiếu niên, và có cả con trẻ (9 tuổi), đã đua nhau tự tử chì vì những chuyện buồn nhỏ như con kiến. Đó là hậu quả tang thương của thuyết vô thần duy vật, họ cố tình dẹp bỏ các niềm tin tôn giáo vì họ cho nó là thuốc phiện, nhưng họ không ý thức được rằng, chính niềm tin tôn giáo mới có thể đem lại cho họ niềm hy vọng vào đời sau và sự bình an ở đời này. Sự cầu nguyện sẽ tăng thêm đức tin-cậy-mến. Đức tin sẽ tăng thêm hy vọng và đem đến cho chúng ta tình yêu (vì tình yêu đến từ Thiên Chúa), và chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta, mới cứu được thế giới đang bị chế ngự bởi nền văn hóa sự chết và đầy thù hận này! 

Trong cuốn sách “To Whom Shall We Go? Lessons from the Apostle Peter” của ĐTGM Timothy M. Dolan (bây giờ ngài là Hồng Y) đã viết rất hay về những cách thức cầu nguyện như sau: 

“Hãy xét mình về 3 thái độ khi cầu nguyện: 

1. Cầu nguyện cho qua: để giữ ơn kêu gọi, để đạt được mục đích, giống như thái độ của người đi học chỉ nhắm thi cho đậu. Thái độ này sẽ đưa đến sự tầm thường, “lình xình” trong đời sống thiêng liêng. 

2. Cầu nguyện một cách nghiêm chỉnh: coi như nền tảng của mọi sự, nhằm thực sự gặp gỡ Chúa, có một cuộc sống thân thiết với Người. Thái độ này dẫn tới sự tiến triển thiêng liêng. 

3. “Tất cả cho cầu nguyện!”: coi cầu nguyện như điều cần thiết, như là “Tất cả”, như là “Mọi sự”. Đây là con đường đưa tới sự hoàn thiện, tới sự thánh thiện chân thực. Đây là con đường của các thánh. 

Chúng ta muốn chọn thái độ nào thì tùy ý.” (**) 
San Jose, Tháng Hoa Kính Mẹ, 2013 
Joseph V. Bùi

________________________________________
Chú thích:

(*) Web Link của Thần Học CG:

Web Link của Giáo Lý CG: http://xuanha.net/

Web Link của Lịch Sử CG: http://xuanha.net/

(**) To Whom Shall We Go? Lessons from the Apostle Peter

Archbishop Timothy M. Dolan
Our Sunday Visitor 2008
Dịch giả: LM. Giuse Nguyễn Văn. Chữ, OP. “Bỏ Thầy, Chúng Con Sẽ Theo Ai?”

“… Thầy là cây nho anh em là cành…” (Ga 15,5)

“… Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời…” (Mt 18, 3)

”…Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên…” (Lc 14, 11)

“… Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt…” (Mt 7,17-18)

“…Cứ dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau…” a 13, 35 )

“…Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi…” (Mt 16, 18)

“…hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường….” (Mt 11, 29)
                                                 Nguồn: thanhcavietnam.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét