Mời đọc

Thứ Sáu, tháng 5 20, 2016

Bác ái – Giọt mồ hôi mang vị ngọt

Hình ảnh của những người nghèo tật nguyền, những mảnh đời cô thế cứ hiện hữu xung quanh chúng tôi, một nỗi thao thức muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ, để thấu hiểu và mang hơi ấm của lòng nhân ái đi xa hơn.

Xuất phát từ lúc 8hoo’ ngày 19/5/2016, tại đường Đào Tấn(Huế). Đoàn chúng tôi là những sinh viên nhóm Giới trẻ Lasan Huế, đã mang theo theo 15 suất quà để đến với thôn Vỹ Dạ và Cồn Hến, để chứng kiến và chia sẻ phần nào những khó khăn của những người già neo đơn, bệnh tật, những gia đình kém may mắn hơn.

DSCF4958
Trời nóng bức nhưng các bạn trong đoàn luôn vui vẻ, không thấy mệt nhọc khi đem nụ cười đến với người nghèo.
Đây cũng là hoạt động bác ái thường niên trong các chương trình từ thiện của nhóm. Nhóm Giới trẻ Lasan thành lập đã được 6 năm, chủ yếu là những bạn sinh viên Công giáo đang học ở Huế, theo linh đạo của Thánh Gioan Lasan là giúp đỡ những trẻ em lang thang về đường giáo dục, những mảnh đời cơ cực sát xung quanh mình.

Số tiền trong chương trình lần này là có sự ủng hộ của ông Peter (là một kiến trúc sư, đại diện cho tổ chức từ thiện tại Úc, chuyên giúp đỡ bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là những học sinh khó khăn) cùng với số tiền của nhóm trong các hoạt động gây quỹ như bán hoa hay “ve chai yêu thương”, mỗi suất quà trị giá 200 nghàn đồng.

Dưới chân cầu Vỹ Dạ, đầu tiên chúng tôi đến với gia đình cụ Bùi Thị Hợi, kiệt 44 Hàn Mạc Tử. Cụ Hợi sinh năm 1940, đôi mắt bị mù, hai tai chẳng còn nghe thấy gì nữa đã 4 năm nay. Đứa con gái bị tâm thần nhưng lại có một đứa con trai nay học lớp 12, cụ ông cũng bị bệnh tim, khớp đã nhiều qua, nhưng chính ông là người lo từng bữa ăn cho gia đình nhờ vào sự gúp đỡ của hàng xóm.

Những tâm sự mộc mạc về gia đình, cụ ông không hề than vãn vì những khó khăn, ghánh nặng đè trên vai thân già yếu nhưng ông coi đó là niềm vui, coi gia đình là mái ấm duy nhất, những công việc âm thầm để phục vụ đứa con và người vợ hằng ngày. Nụ cười đầy ấm áp trên khuôn mặt của hai cụ khiến chúng tôi nghẹn lòng, hạnh phúc không đâu xa chính là sự đầm ấm của gia đình, bình dị trong cái nghèo nhưng tràn ngập những yêu thương…

DSCF4917
Cụ Bùi Thị Hợi và người con gái ở phía trong.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà cụ Nguyễn Văn Búa là một thân hình gầy gò, đang dùng hai tay để nâng mình di chuyển từ trong góc buồng ra ngoài khi thấy chúng tôi bước vào.

Sống cùng con hẻm với gia đình cụ Hợi, năm nay đã tròn 80 tuổi, đôi chân bị cụt mất một bên do chiến tranh nhưng hằng ngày cụ Búa vẫn chăm chỉ đan rổ (còn gọi là rá, làm bằng tre, giá bán khoảng 5 nghàn đồng 1 cái) để đỡ buồn và kiếm đôi đồng sống qua ngày.  Từ ngày chỉ còn lại một chân, cuộc sống của cụ gặp vô vàn khó khăn, người con trai bị bệnh lao không làm được gì, mỗi tháng nhà nước trợ cấp cho gia đình ông 360 nghàn, may ra đã đỡ bớt phần nào.

Khuôn mặt gầy hóp đã từ lâu chất chứa nhiều suy nghĩ, nỗi đau thẳm sâu của những di chứng tật nguyền, sự xót xa về cái nghèo và sự cảm thương khi nghe kể về những câu chuyện của ông.

Món quà tuy không lớn về vật chất, nhưng qua sự hỏi han, động viên của các thành viên trong đoàn, cụ Búa như nghẹn lại, vẫn ngoái nhìn xa xa khi chúng tôi bước chào tạm biệt cụ.

DSCF4930
Khuôn mặt gầy gò của cụ Nguyễn Văn Búa đang kể về cuộc đời của mình.
Ngược về đường Ưng Bình, nơi thôn Cồn Hến, vòng sâu theo con hẻm nhỏ chúng tôi đã đến với gia đình cụ Võ Thị Thú, năm nay đã 102 tuổi. Sống với 3 người con gái trong căn nhà lụp xụp, chỉ có người con đầu là biết chăm sóc, cho cụ, còn 2 người con thứ thì bị bệnh tâm thần, chỉ đi đứng loanh quanh, mặc cho người mẹ già đang bệnh nằm một chỗ.

Cụ Thú bị bại liệt từ nhiều năm nay, hai tai nay cũng đã bị điếc, từng khớp cơ đã co cứng lại, muốn trở người cho cụ thì phải dùng sức kéo mạnh các khớp chân, tay dãn ra. Đôi gò má hóp sâu, chân và tay đã dần teo lại, cụ không nói được nhưng ánh mắt cứ hướng vào chúng tôi; cái tạ lót của cụ đang bị ướt dầm, không có người con đầu ở nhà, chúng tôi muốn làm gì đó giúp cụ nhưng không sao trở người và kéo các khớp xương dãn ra được.

Bước ra khỏi căn nhà đó nhưng hình ảnh của cụ Thú cứ hiện lên trong đầu mỗi người là sự khâm phục, một người mẹ tần tảo, dẻo dai với cái khổ, chịu đựng bệnh tật nhưng đã sống đến cái tuổi xưa nay hiếm thấy.

DSCF4979
Cụ Võ Thị Thú, gian phòng qua khe cửa sổ.
Còn rất nhiều những mảnh đời, những hoàn cảnh trớ trêu xung quanh mình mà chúng tôi không thể biết hết được. Chuyến đi mang lại cho chúng tôi cái nhìn xa hơn về cuộc sống, biết cảm thông và thấu hiểu cho những hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắm hơn, học cách thương cảm và trân trọng những giá trị giản đơn nhưng ấm áp tình người.

Dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến đi này là chị Nguyễn Nguyên Phương(con gái của cô chủ trọ chúng tôi), sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại Học Sư Phạm Huế. Suốt những năm qua, hàng tuần, hàng tháng chị vẫn lặng lẽ, âm thầm đến với những người nghèo, những bệnh nhân liệt giường để chăm sóc, làm những việc phụ giúp, lắng nghe những tâm sự, kể những câu chuyện đạo đức, phó thác của các vị Thánh trong Kinh Thánh… để giúp họ sống an vui hơn với cái nghèo và bệnh tật.

DSCF4926
Chị Nguyễn Thị Duyên, ở kiệt 88, Hàn Mạc Tử bị viêm màng não, biến chứng khiến đôi mắt bị mù, đang cầm chặt lấy tay chúng tôi khi đến thăm chị.
DSCF4940
Cụ Nguyễn Văn Búa và chiếc chân giả làm từ ống tre lâu ngày đã bị vỡ nứt.
DSCF4950
Anh Nguyễn Thử, ở kiệt 58 Hàn Mạc Tử, bị bại liệt, tâm thần. Anh có 1 người con trai nhưng bị bệnh ung thư, gia đình sống dựa vào sự chăm sóc của người vợ và hàng xóm xung quanh. Anh hiểu chúng tôi nói nhưng chỉ có thể ra hiệu và viết trên nền nhà.
DSCF4943
Ngôi nhà rách nát của anh Thử.
DSCF4955
Một gia đình sống đối diện với anh Thử.
DSCF4970
Cụ Nguyễn Thị Mai, 88 tuổi, ở kiệt 7, Ưng Bình. Sống dựa vào sự chăm sóc của người con trai cũng mang nhiều bệnh tật. Các bạn sinh viên đã dùng tay quạt cho cụ vì căn phòng quá nóng.
DSCF4992
Thân hình gầy gò và các khớp xương đã bị co hết lại của cụ Võ Thị Thú.
DSCF5003
Cụ Bùi Thị Diễm, ở Đường Ưng Bình vui mừng khi thấy các bạn sinh viên đến thăm. Cụ bị bại liệt từ nhiều năm, dựa vò sự chăm sóc của người con trai trong căn nhà nhỏ.
DSCF5011
Chị Hoàng Thị Thùy Linh, ở đường Ưng Bình. Chị bị tâm thần, cha mẹ đều đã mất do bệnh ung thư, chị sống lộn xộn trong một gian nhà nhỏ. Rất vui mừng và cười nói cám ơn khi chúng tôi tới thăm chị.
DSCF5021
Hai chị em cụ Lê Thị Chanh và Lê Thị Quýt, ở kiệt 30 Phan Chu Trinh,(con của cụ Quýt áo đỏ) đều bị tâm thần và nương tựa vào nhau, sống nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
DSCF5031
Cụ Nguyễn Thị Lâm, ở Đường Trần Phú, đã hơn 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn quảy gánh đi lượm ve chai.
DSCF5040
Cụ Huỳnh Thị Yến, 81 tuổi, sống một mình ở Trần Phú, sát đường Ngự Bình. Từ lúc ông cụ và con trai mất, cụ Huỳnh thường đi bán vé số, nhưng nay chân của cụ đã bị sưng ung nên ở nhà, cụ cười tươi và cảm động khi lại thấy chúng tôi đến thăm.
DSCF5044
Anh nguyễn Văn Bình, sống gần cụ Huỳnh, bị bại liệt đã nhiều năm. Anh thường không mặc áo lết ra ngoài đường ngồi một mình.
DSCF5017
Các bạn sinh viên trong đoàn đã giúp nhặt rau và dọn dẹp khi đến thăm từng gia đình cần giúp đỡ.

         Mời xem thêm hình ảnh


                                                                                                                               Bài và ảnh: Thành Nhu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét