Sau bao tháng ngày học
tập vất vả và sinh hoạt chung với nhau, sáng ngày 27/5/2016, đoàn chúng tôi gồm
có Cha Đặc trách Giuse Phan Tấn Hồ, quý Thầy Đặc trách, quý Soeurs quản lý Nội
trú Phao Lô và bác Ái Vinh, cùng với Ban Đại diện sinh viên Thánh Tâm Huế đã có
chuyến hành hương về bên Mẹ Trà Kiệu, và khám phá vùng đất thiêng là kinh đô cũ
của vương quốc Chăm Pa.
Xuất phát
lúc 7h15’, tại Dòng Thánh Tâm, đoàn chúng tôi đi chung trên chiếc xe khách 30
chỗ và rời thành phố Huế trong niềm hớn hở, vui tươi. Tất cả thành viên trong
đoàn cùng tập trước bài hát: “ Về bên Mẹ
Trà Kiệu”, do Cha Đặc trách sáng tác và đối đáp những câu hò trong suốt đường
đi, khiến cho không khí trên xe tràn đầy sức trẻ.
Cách thành
phố Đà Nẵng 4o km về phía tây nam, lúc 10h15’, đoàn chúng tôi đã đến với giáo xứ
Trà Kiệu và tiến lên đền Mẹ trên đồi Bửu Châu. Rất nhiều người trong chúng tôi
lần đầu tiên đến với Mẹ nên đã chạy thật nhanh trên bậc dốc dài để được ngắm
dung nhan Mẹ.
Đường lên đồi Bửu Châu |
Trà Kiệu một
giáo xứ bé nhỏ thuộc giáo phận Đà Nẵng, ẩn mình ở chốn nông thôn rừng núi,
nhưng là một giáo xứ được Mẹ Maria che chở một cách đặc biệt. Trà Kiệu cũng là
một giáo xứ kỳ cựu nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Tọa lạc trên
một phần đất vuông vức, mỗi bề dài khoảng 1km, lại nằm giữa một cảnh quan thôn
dã an bình và xinh đẹp; tại chốn này, trước đây Trà Kiệu là Kinh đô huy hoàng của
Chiêm quốc với cảnh núi đồi sông nước rất nên thơ và tráng lệ.
"Ðiện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh".
Thế nhưng
hôm nay đền đài thành quách của Chiêm quốc đã điêu tàn đổ nát, một số nền móng
lâu đài đã được Trường Viễn Ðông Bác Cổ khai quật, đào bới. Một số thành lũy đã
đứt nối oằn oại dưới những ngôi nhà của cư dân.
Phía Ðông Giáo xứ có hòn Bửu Châu (hay còn gọi
là Non Trược, hay Non Trọc) mà người ta tin rằng đó là kỳ đài của kinh thành.
Hòn Bửu Châu án ngữ ngay sau hậu cung của Chiêm Chúa. Ngày nay Hòn Bửu Châu đã
trở thành Ðền Mẹ Trà Kiệu - Trung tâm Thánh Mẫu (Hoàng cung tọa lạc ở xóm Hoàng
Châu, quay mặt về hướng Ðông).
Theo lịch sử
của giáo xứ Trà Kiệu thì từ năm 1596-1602, Trà Kiệu được cha Raphael (dòng
Augustinô – Bồ Ðào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628, một nhóm người di dân
Công Giáo đã xây dựng ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên. Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu
có tới 300 giáo dân. Năm 1872, cha Louis Marie Garibert Lợi xây một nhà thờ lớn
hơn.
Năm 1885,
sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, phong trào Cần Vương nổi dậy tại nhiều tỉnh
miền Trung với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả”. Ngày 1-9-1885, quân Cần Vương khoảng
hơn 8,000 người bao vây giáo xứ Trà Kiệu với vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần
công và voi chiến. Về phía giáo dân, chỉ có hơn 300 nam, tuổi từ 16 tới 60; và khoảng
mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ. Giáo dân khiếp sợ chạy đến nhà thờ cầu xin Ðức
Mẹ và đã chống trả quyết liệt trong suốt hơn 10 ngày. Trong lúc chiến đấu, giáo
dân cùng hô khẩu hiệu Giêsu - Maria - Giuse. Ngày 11-9-1885, Ðức Mẹ hiện ra đứng
trên nóc nhà thờ để bảo vệ và che chở đàn con: “Bà đứng trên nóc nhà thờ xua
vạt áo đỡ đạn cho giáo dân”. Cuộc chiến kéo dài đến 21-9-1885 thì quân Cần
Vương bỏ chạy, giáo dân được giải thoát.
Từ khi Mẹ hiện
ra (1885) đến nay, Đức Mẹ Trà Kiệu nổi tiếng là linh thiêng, kẻ lương người
giáo đều đến cầu khẩn và nhiều người đã được sở nguyện như ý. Cỏ cây quanh đền
thờ nhờ ơn Đức Mẹ thông ban, đã công hiệu chữa nhiều bệnh tật.
Dưới chân tượng
Mẹ, đoàn chúng tôi đã cất vang những lời kinh cùng với bài hát mang theo tâm
tình thương mến hướng về Mẹ:
“ Vượt ngàn dặm xa con
về bên Mẹ,
Mẹ Trà Kiệu ơi, bao năm dài xa cách.
Dòng đời ngược
xuôi con lo toan muôn ngàn nỗi niềm,
Nay con tìm về bên Mẹ, Mẹ Trà Kiệu
ơi…”
Sau lời cầu
nguyện Cha Đặc trách Giuse đã nói: “ Chúng
ta thấy dải đất miền trung của chúng ta luôn được sự che chở và quan phòng của
Chúa Mẹ. Giáo phận Huế có Đức Mẹ Lavang, Giáo phận Vinh có Ông Thánh AnTôn và
giáo phận Đà Nẵng nơi chúng ta đang đứng đây có Mẹ Trà Kiệu. Vì thế chúng ta cần
hãnh diện và sống đức tin dưới ánh sáng chở che của Mẹ…”
Cùng cầu nguyện dưới chân Mẹ Trà Kiệu |
Đứng trên đồi
Bữu Châu, chúng tôi đã thỏa sức phóng tầm mắt tới những quang cảnh tuyệt đẹp,
những ngọn đồi trãi dài màu xanh bạt ngàn, xa xa là những khúc sông, những cánh
đồng sát cạnh ngôi làng nhỏ, làn gió mát nhẹ nhàng se dịu khiến mọi thứ thanh
bình và nên thơ.
Từ biệt Mẹ, chúng
tôi đến Nhà thờ giáo xứ Trà Kiệu để tham quan, đi qua Cửa Năm Thánh Lòng Thương
Xót, và cầu nguyện trước Thánh Thể. Tại đậy, chúng tôi không chỉ được phúc cầu
nguyện, đón nhận ân sủng Chúa ban, mà còn được phúc hòa mình trong không gian linh
thánh, nơi các bậc tiền nhân và con dân Trà Kiệu đã một đời tín thác vào Mẹ.
Thánh đường giáo xứ Trà Kiệu |
Rời xa Nhà
thờ giáo xứ, chúng tôi qua thăm nhà sinh viên Phạm Nữ Hoàng Nhi (thuộc Nội trú
Phao Lô), sau đó di chuyển đến thăm Cộng đoàn nữ tu Dòng Thánh Phao Lô - Trà Kiệu,
rồi đến nhà sinh viên Đoàn Chinh (thuộc Lưu trú Thánh Tâm, em gái của Đoàn Chinh
là Đoàn Thị Hồng Nhung, thuộc Nội trú Phao Lô) và dùng cơm trưa tại đây.
Tại nhà sinh viên Hoàng Nhi, chúng tôi được thưởng thức món bánh gai đặc sản |
Kết thúc
chuyến hành hương về bên Mẹ Trà Kiệu trong ân tình, đoàn chúng tôi chụp hình
lưu niệm tại nhà sinh viên Đoàn Chinh, rồi lên đường để tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo.
Tại nhà sinh viên Hoàng Chinh, chúng tôi được tiếp đãi món mì Quảng vô đối |
Ngôi nhà đặc biệt, pha lẫn phong cách Á Đông và Italia của gia đình Hoàng Chinh |
Thành Nhu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét