Nhận thấy ở nơi xa thành phố Huế còn có rất nhiều em nhỏ mùa đông không đủ áo mặc, các gia đình ở đây dường như sống biệt lập với bên ngoài. Gần 1 tuần khi nêu ra chương trình, tưởng chừng sẽ không đủ kinh phí, phần quà; thế nhưng tất cả thành viên trong nhóm đã nhiệt tình hưởng ứng, có nhiều ân nhân đã tặng tiền mặt, sữa, mì tôm và quyên góp quần áo cũ…
Với kinh phí có hạn, nên nhóm mới chỉ chuẩn bị được 20 suất quà cho 20 gia đình gồm chăn, sữa, bánh kẹo, mì tôm, 2200 cây keo giống, 40 bộ tràng hạt và 5 bao quần áo cho các em nhỏ và người lớn trong tổng số 204 gia đình sống nơi ‘ốc đảo” bản Ngài.
Từ 6h sáng, chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại số 149 Phan Bội Châu, Tp. Huế. Đến 6h30 xe đã xuất phát với 36 thành viên trong nhóm cùng với sự đồng hành của trưởng Giuse Nguyễn Trọng Kiên.
Lúc 7h30p, khi xe dừng gần Thánh Địa La Vang, đoàn chúng tôi lại rất vui mừng và bất ngờ khi có thêm sự đồng hành của vị ân nhân Tu sĩ, Linh mục Anrê Dũng Lạc Mai Văn Diên.
Sau hành trình hơn 100km, lúc 9h10, đoàn đã đến được khe Ngài. Đây là chuyến đi xa nhất của chúng tôi, trên xe ai lấy đều cất vang lời kinh nguyện, cùng kể chuyện cho nhau với tâm thế háo hức và ngóng trông về điểm đến.
Cũng như chúng tôi, Pả Liêng - người trưởng làng từ sáng sớm đã dẫn các thanh niên chui rừng, lội suối và sang bên kia sông để đón chúng tôi. Vì trời đã gần vào trưa nên các thành viên trong đoàn đều nhanh chóng vận chuyển quà xuống khỏi xe và vác trên vai để di chuyển qua sông bằng 2 chiếc đò đã đợi sẵn.
Sang được sông, chúng tôi lại háo hức như sắp được ‘khám phá’ vùng đất lạ. Những bao quần áo nặng hơn thì được các trai làng chở bằng những chiếc xe máy chuyên ‘băng suối, vượt đèo’.
Trời hôm nay có nắng, con đường đất đã bị cày xéo, lầy lội và trơn trượt, những con dốc nối tiếp nhau khiến chúng tôi chỉ có thể tiến. Cha Anrê Dũng Lạc cũng quốc bộ với đoàn, ngài ví chúng tôi như một đoàn tàu nối dài, con tàu sẽ đem một chút gì đó như là hơi ấm nơi vùng đất xa lạ này.
Lội qua 4 con suối cạn, theo dấu chân người dẫn đường chúng tôi tưởng mình bị lạc vào trong mê cung, thấp thoáng xa xa lại có một ngôi nhà sàn nhưng chỉ có vài ba đứa trẻ, cảnh người mẹ trẻ dắt theo 4 đứa con nhỏ người lấm đầy bùn đất đang trên đường đi làm về nhà...
Chúng tôi tiếp tục đi và trong đầu cứ suy tư về con đường mòn không biết có từ bao giờ. Xuống dốc, chúng tôi phải rẽ lá mà đi, tay cố bám lấy mấy bụi cỏ hai bên, bùn choẹt dính chặt lấy dép, phải nhẹ nhàng nhấc lên và lê từng bước để khỏi bị trượt chân.
10h30p, chúng tôi đã đến được nơi ở của Pả Liêng, họ chỉ chúng tôi tới cái vòi nước được dẫn về từ trên thác để rửa chân. Ai cũng thở phào rồi đăm chiêu đảo con mắt nhìn về những ngọn núi chập chùng xung quanh, cuộc sống và những ngôi nhà của họ chỉ chênh vênh, nhỏ bé giữa thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ.
Cha Anrê Dũng Lạc đã thay mặt đoàn gửi đến dân bản những lời chào thăm, món quà cho từng gia đình. Nhìn những khuôn mặt hốc hác của người già, nụ cười của thanh niên và vẻ mặt lạ lẫm, ngơ ngác của trẻ em đang xếp hàng dưới cái nắng hiếm hoi của những ngày đầu đông khiến chúng tôi không khỏi xót xa và cảm thương.
Sau đó chúng tôi quy tụ các em lại để vui chơi, tập cho các em nhũng bài hát, cử điệu. Một nhóm khác thì đi kiếm tre, rơm về làm thành cái hang đá cho dân làng. Thắp bóng nháy lên, đặt tượng gia đình Thánh Gia vào trong hang đá, chúng tôi nghiêm trang, hợp với lời nguyện của Cha để làm phép hang đá.
Lúc 13h, chúng tôi được dùng cơm trưa tại nhà nguyện (nhà Pả Liêng) do dân làng chuẩn bị với những món ăn lạ mắt, cơm gạo nứt, nếp cẩm, măng rừng khiến ai lấy đều gật gù khen ngon.
Sau khi dọn dẹp và chia tay, lúc 13h30p chúng tôi lại bắt đầu hành trình trở ra, con đường núi lầy lội gần 4km phía trước, đoàn tàu cứ đi và về Thánh địa La Vang lúc 15h50p.
“Đi để thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người”, “Có đi mới cảm nhận được cuộc sống của anh em tha nhân”… đó là những chia sẻ của các thành viên trong nhóm thiện nguyện, những cảm xúc, sự khâm phục, may mắn mà chuyến đi đã mang lại,giúp các sinh viên càng biết trân quý giá trị của cuộc sống, sự sẻ chia, đùm bọc. Biết cho đi dù chỉ là sự động viên, ánh mắt yêu thương, đồng cảm để tìm lại tình người, bác ái nơi chính hành động của bản thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét