Mời đọc

Thứ Sáu, tháng 5 10, 2013

Bình Linh yêu dấu !


Bình Linh yêu dấu !

Lời nói đầu
     Các bạn "anciens pellerinois" quý mến,
     Tôi tên là Võ văn Thơ, học Pellerin từ 1949 đến 1955, với ba vị Bề trên: Frère Jérôme, Frère Antonin, và Frère Camille. Trong thời gian theo học ở Pellerin tôi có được vinh hạnh dự hai Lễ lớn: Lễ Tricentenaire Dòng Lasan (1951) và Lễ Cinquantenaire ngày thành lập trường (1954). Năm nay được biết các bạn ở Huế tổ chức Lễ mừng 107 năm ngày thành lập trường và Lễ Thượng thọ 90 tuổi của Frère Rodriguez, rất tiếc là tôi không thể về được để cùng tham gia với các bạn. Vì vậy tôi xin gởi đến tất cả các bạn một số kỷ niệm rời của tôi đối với trường để cùng các bạn ôn lại những ngày tháng êm đềm thuở xa xưa. Tôi cũng xin cung kính gởi đến Frère Rodriguez, vị tôn sư mà tôi hằng kính mến, một vị ân nhân mà suốt đời tôi không quên, những lời chúc tốt đẹp trong dịp Lễ Thượng thọ của Frère. Tôi viết bài này dưới tiêu đề là "BÌNH LINH YÊU DẤU", vì tôi thực sự yêu mến trường.  Chẳng thế mà tôi đã quấy quá thi (hỏng) vào lớp Đệ Thất trường Khải Định, để rồi trở lại học lớp Sixième trường Pellerin; chẳng thế mà tôi đã khóc hai ngày vì trường Pellerin không có lớp Seconde cho tôi tiếp tục học. Cái tên Bình Linh là do Linh mục Nguyễn hy Thích đặt cho trường Pellerin. Bình Linh nghe na ná như phiên âm của chữ Pellerin, nhưng tự nó cũng có nghĩa riêng rất hay. Ý nghĩa nầy có thể thấy trong bài "Bình Linh hành khúc" do Cha Thích đặt (cả nhạc lẫn lời): 

                      Này kìa bên giòng sông Hương tươi thắm nên thơ,
                      Nơi đất linh thiêng muôn đời xa cách còn mơ,
                      Ngày ngày ngắm cảnh sông núi suy gẫm tương lai,
                      Ra sức chung xây đất Việt oai dũng muôn đời.
Bình Linh có nghĩa là "đất linh thiêng ở chốn Sông Hương - Núi Ngự".
Chữ Sư huynh cũng do cha Thích đặt ra để dịch chữ Frère như ta cũng thấy trong bài Bình Linh hành khúc:
                     Bình Linh nơi Sư huynh nung đúc bao anh tài,
                     Bình Linh nơi giang sơn chờ mong ủy thác…
Tuy nhiên trong bài viết tôi thường dùng Pellerin, Frère là những chữ quen thuộc với tôi tự ngày xưa. Tôi cũng dùng chữ Sixième, Cinquième để chỉ lớp, vì lớp Sixième mà gọi là Đệ Thất thì trúng lớp mà không trúng chữ, còn gọi là Đệ Lục thì lại trúng chữ mà không trúng lớp. Tôi đến nay đã ngoài tuổi "cổ lai hy", những gì còn lại trong trí nhớ của tôi chưa chắc đã đúng, nếu có chỗ nào sai sót xin các bạn sửa lại giúp cho.
                                                                                                                              
                                                                                Xin đa tạ.
*
*   *

    Tôi bước chân vào trường Pellerin vào tháng 12 năm 1949. Năm đó tôi đã học lớp Nhất trường Tiểu học Thế-Dạ. Trường này tọa lạc ở làng Vỹ dạ, trên đường Thuận an (nay đã trở thành phế tích). Trường được lập ra cho con em ở hai làng Vỹ dạ và Lại thế, vì vậy mà có tên là Thế-Dạ. Năm đó tình hình ở Vỹ dạ quá bất an nên Ôn-Mệ tôi cho tôi lên ở với Ba tôi trong Bệnh viện Huế. Mặc dù lương tiền ít ỏi Ba tôi cũng cho anh em tôi vào học trường Pellerin để "có được kỷ luật tốt".
    Ngày đầu tiên bước chân vào trường tôi như anh Mán về thành, thấy nhà cao cửa lớn, nguy nga tráng lệ, cây cao bóng mát, so với trường làng của tôi thật là một trời một vực. Tôi phải học lại lớp Nhì vì tôi không biết tiếng Tây tiếng U gì hết. Vị thầy dầu tiên tôi gặp là một người mặc áo chùng đen có miếng trắng ở cổ. Ông ta cao lớn, mũi cao như Tây. Thấy tôi bỡ ngỡ bước vào lớp, ông ta bỏ cặp kính dày xuống (làm cho cặp mắt thấy sâu và dữ hơn), hỏi bằng giọng Bắc giả Huế: "Mi tên chi?". Tôi sợ khiếp vía, lắp bắp nói không ra lời. Té ra ông chỉ dọa tôi cho vui thôi. Về sau tôi biết đó là Frère Maurice. Khi tôi lên lớp Nhất thì trở thành học trò cưng của Frère vì Frère dạy Toán mà tôi thì làm "toán chạy" nhanh như...chạy. Khi nào tôi đem bài lên trước là Frère bắt tôi quỳ bên cạnh trong khi chấm bài mấy đứa khác. Frère Maurice có hai điểm đặc sắc: một là tài thổi sifflet và hai là tài gọt viết chì. Hồi đó Frère làm préfet nên mỗi khi ra chơi đến giờ vào lớp là Frère thổi một hồi sifflet để báo cho học trò biết. Tiếng sifflet của Frère kéo dài rất lâu, vang dội khắp nơi, đâu đâu cũng nghe thấy. Frère gọt viết chì thì hết sẩy. Thuôn, nhọn và đều, trông rất đẹp mắt. Frère cũng chơi đàn violon và hát giọng rất mạnh.
     Frère thứ nhì tôi gặp ngày hôm đó la Frère Regis. Ở trường, kế sau văn phòng của Frère Bề trên (Hiệu trưởng) có một phòng nhỏ gọi là Procure, bán sách vở, bút mực và đồ chơi. Frère procureur hồi dó là Frère Regis. Sau giờ học với Frère Maurice, đến khi ra chơi tôi chạy ngay vào Procure để mua đồ chơi. Tôi đâu có tiền để mua gì nhiều, chỉ mua một viên bi chai mà thôi. Trước kia tôi chỉ chơi bi bằng hột mù u hay hột bồ hòn, nay lần đầu tiên trong đời mua được viên bi chai tôi cưng quý vô cùng. Ngày nào tôi cũng "luyện" đánh bi. Tôi chơi bi "mốt Huế" khá hay. Xoắn viên bi giữa ngón trỏ và ngón cái, búng viên bi ra, đến gần cái lỗ viên bi xoay quanh cái lỗ rồi ụp xuống trông rất ngon lành. Tôi giữ viên bi chai đầu đời của tôi thật lâu, đến khi nó mẻ chung quanh hết chỉ còn cái lõi ở trong tôi vẫn còn chơi.
     Vào trường chẳng bao lâu tôi đã có cả đống bạn. Bọn tôi chia làm hai phe, một phe do Hoàng mộng Giới cầm đầu, phe kia do Đoàn Ngô cầm đầu. Hai tên nầy mạnh nhất lớp. Đoàn Ngô chẳng hạn, hít barre fixe chỉ cần một tay. Nhưng sức mạnh thực sự là của cả toàn nhóm. Chúng tôi đến trường phải chờ nhau trước cổng, cùng vào trường một lúc, nếu đi lẻ tẻ gặp nhóm kia thì có mà nhừ đòn. Chúng tôi ra quy luật với nhau là chỉ được dùng bàn tay chặt vào hai cánh tay của địch thủ, không được đánh vào mặt, vào ngực, vào bụng, không được đá vào hạ bộ. Ngày tháng cứ thế mà trôi qua, vui ra phết. Chuyện chia phe đánh nhau này hình như đến năm lớp Nhất thì chấm dứt. Không những có bạn cùng lớp mà còn có bạn khác lớp, thường là gặp nhau trên đường đi đến trường, chuyện trò vui như pháo nổ, quên hẳn đường dài. Nhóm bên phố qua có hai anh em Nguyễn nhơn Tâm, Nguyễn nhơn Phúc. Đến gần trường thì có nhóm của anh em Tôn thất Tụng - Tôn thất Hứa từ Bến Ngự ra. Ớ tiểu học thì đánh bi, đánh cao su (cũng như các bạn khác vào thời ấy). Lên trung học thì bắt đầu chơi bóng chuyền, bóng rổ. Nói đến bóng rổ tôi lại nhớ đến Frère Nicolas. Frère dạy bọn tôi đánh bóng rổ cứ luôn miệng nói: pivot! pivot! để chúng tôi nhớ xoay người chung quanh một cái chân làm trụ. Hồi đó tôi xanh xao, ốm yếu, quả bóng rổ đối với tôi nặng quá, nên chẳng bao lâu tôi bỏ chơi, chỉ còn chơi bóng chuyền thôi. Cái vui ở trường Pellerin là sân chơi quá im mát, chỗ nào cũng có sân bóng chuyền, bóng rổ. Chiều chiều sau khi bãi học, trời vẫn còn sáng, bọn tôi gồm có tôi, Lê văn Hóa, Đoàn Ngô, Lê hữu Lộc, Trần phúc Thịnh và vài bạn khác chia phe đánh volley ăn kẹo thèo lèo bán ở cửa hàng của trường đằng sau préau. Đôi khi có cả Frère Léopold tham gia (đánh volley thôi chớ không ăn kẹo thèo lèo!). Bên ngoài tình hình có lúc lộn xộn, nhưng trong trường là cả một cõi thiên đường!

     Trường Pellerin tuy tỷ số đậu brevet đứng sau Lycée và Providence, nhưng lại có những mặt mạnh khác. Thứ nhất Pellerin lúc nào cũng đứng đầu thành phố Huế về thể thao. Đá banh, bóng chuyền, bóng rổ thứ chi cũng giỏi. Thời đó về đá banh tôi nhớ có Hồ quang Châu, Joseph Nguyệt, Trần văn Thanh, bóng chuyền có Võ đại Thành, Dự (ở trên Ga), Lê tất Phùng, Huỳnh Thoảng, anh em Trần bá Duy, Trần bá Thuyết, hai anh em Duy-Thuyết cũng là kiện tướng bóng rổ. Trường Pellerin cũng có tiếng là giỏi toán. Không biết các bạn khác thấy thế nào chứ tôi thấy khoái nhất là được học toán với hai Frère Maurice và Augustin. Như tôi có kể ở trên là tôi vào ngang lớp Nhì vào tháng 12, chữ Tây chữ U không biết. Khi ấy đang thi premier trimestre, tôi không biết chi cả nên được... đứng chót lớp. Ham chơi, nhác học cuối năm bị ở lại lớp (mà không biết). Năm sau khi nhập học trở lại mới biết là không có tên ở lớp Nhất. Năm ấy Ba tôi bận việc nên nhờ một người bạn đưa tôi đến trường. Khi biết bị ở lại tôi nhất định không vào học lại lớp Nhì, năn nỉ bạn Ba tôi vào gặp Frère Bề trên (lúc ấy là Frère Jérôme) cho tôi được lên lớp Nhất. Trong khi chờ đợi tôi đứng ngoài lớp Nhất nghe Frère Maurice giảng về phân số. Tôi thấy sao dễ quá, chắc chắn là mình sẽ học được. Quả nhiên sau khi bạn Ba tôi xin cho tôi được vào lớp Nhất, tôi học toán tiến bộ rất nhanh, có lẽ nhờ cách giảng của Frère rất đơn giản, dễ hiểu. Frère dịch từ tiếng Tây ra tiếng Việt theo cách của Frère, không dùng tiếng Hán-Việt nên dễ hiểu lắm. Ví dụ như " règle de trois" thì Frère dịch là "toán luật ba" dễ hiểu hơn "quy tắc tam xuất" nhiều. Năm Cinquième là năm bắt đầu học đại số. Thầy dạy toán là Frère Augustin. Frère người nhỏ nhắn, mang kính cận tròn, nói giọng Nam. Tôi nhớ ngày đầu tiên vào lớp Frère viết chữ Algèbre với chữ A tròn to tướng trên bảng. Phương pháp của Frère là cho học trò học thuộc công thức ngay tại chỗ. Công thức của Frère không có a, b, c gì hết mà được viết toàn chữ. Ví dụ công thức a+b bình phương thì phải học như sau: Le carré de la somme de deux nombres est égal au carré du premier plus le carré du second plus deux fois le produit du premier par le second. Học thuộc như thế rồi thì bất cứ trường hợp nào cũng ứng dụng được. Học theo Frère như thế về nhà tôi không cần học chi thêm hết. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng cho hình học được, vì vậy tôi vẫn còn kém về hình học vì mãi lo chơi bi không chịu làm thêm bài tập toán ở nhà. Tôi còn được học toán với Frère Augustin năm Quatrième nữa. Năm Troisième tôi học toán với Frère Placide. Frère có nước da trắng hồng rất đẹp. Frère bảo nhờ ăn nhiều yaourt nên mới có được nước da như vậy. Frère Placide chỉ chúng tôi cách tìm sin và cos của một số góc đặc biệt rất hay. Frère bảo viết các góc (tính bằng độ) theo thứ tự: 0, 30, 45, 60, 90. Sin của góc thì viết theo thứ tự (tôi sẽ viết căn số của x la sqrt(x)): sqrt(0)/2, sqrt(1)/2, sqrt(2)/2, sqrt(3)/2, sqrt(4)/2. Cos thì cũng dùng dãy số đó nhưng theo thứ tự ngược lại. Cách của Frère dễ nhớ đến thế hèn chi suốt hơn 50 năm qua tôi cũng không quên đi chút nào.

     Ngoài chuyện thích học toán với các Frère tôi còn nhờ các Frère, các thầy mà luyện được chữ viết, chuyện đó giúp ích rất nhiều cho nghề dạy học của tôi sau này. Các Frère ở trường Pellerin ai viết chữ cũng đẹp. Từ năm lớp Nhất cho đến lớp Troisième năm nào tôi cũng được kêu lên viết bảng. Luyện tập suốt 6 năm như thế nên tôi viết bảng ngay ngắn dễ coi, học trò rất thích.
     Còn một đặc điểm nữa của trường Pellerin chắc các bạn còn nhớ. Học trò Pellerin đi diễn hành hết sẩy! Năm nào cũng vậy, gần tới lễ lược gì có diễn hành là các Frère cho học sinh tập ráo riết, mời cả ban quân nhạc của Đệ nhị Quân khu tới thổi kèn đánh trống cho học trò tập đi diễn hành nữa, vui lắm.
     Vocation của Dòng Lasan là dạy học. Vì vậy các Frère được đào tạo rất kỹ về sư phạm. Chúng ta, học trò Lasan, nên thấy mình may mắn. Có Frère đôi lúc cũng đánh học trò để răn đe (tôi cũng đã từng bị đánh (oan), nhưng chưa có một lần oán trách), nhưng nói chung các vị đều hiền. Năm tôi mới lên lớp Quatrième sợ Frère Alban lắm. Mới ngày đầu tiên Frère đã bảo:"Frère có sẳn cây roi mây dành cho những đứa "rắn mắt" và "pensum" dành cho những đứa nhác học”. Thế nhưng suốt cả năm chẳng có đứa nào bị Frère đánh một roi, và cũng không có đứa nào bị pensum. Frère Léopold dạy Troisième thì quá hiền. Năm này tôi có một kỷ miệm khó quên. Số là năm đó bọn tôi phải thi brevet, mà trong kỳ thi này, như các anh ai cũng biết, bài "dictée" là khó ăn nhứt, chỉ cần 5 lỗi là bị 0 rồi. Để chúng tôi có dịp nghe người Pháp đọc dictée, Frère Léopold mời Cha Oxarango ở Providence, Soeur Marie ở Jeanne d'Arc, và một cô đầm y tá ở bệnh viện Pháp thỉnh thoảng đến đọc dictée cho chúng tôi viết. Cô đầm này khoảng trên 20 tuổi một chút, có cái tên ngồ ngộ: Francoise Argoua'ch. Tại sao tôi lại có thể nhớ cái tên khó đọc này nhỉ? Phải rồi, cô Argoua'ch dưới mắt tôi thời bấy giờ là một tiên nữ hạ phàm. Trong suốt 6 năm dưới mái trường Pellerin, từ thằng bé con đến gã con trai vị thành niên, tôi chỉ giao du toàn bọn đực rựa. Nay lần đầu tiên thấy một người con gái da trắng mũi cao đẹp ngần ấy làm sao cái "thằng tôi" 15 tuổi không thấy động lòng? Lần ấy bài dictée tôi viết phạm đến 23 lỗi! Hai mươi ba lỗi chứ hai trăm ba chục lỗi tôi vẫn thấy "đã". Năm 1996 chúng tôi (một số học trò cũ của Frère Léopold gồm có tôi, anh Trần văn Thanh (học trên tôi một lớp), anh Lê văn Ngọc (trên tôi nhiều lớp), Trần phúc Thịnh (cùng lớp với tôi), Nguyễn hữu Quán (cùng lớp với tôi), Huỳnh Kim (sau tôi một lớp), được hân hạnh đón tiếp Frère ở Montréal. Sau một tháng ở chơi tại Montréal (Frère có ông anh ruột ở thành phố Laval, phía bắc của Montréal) Frère trở về Nhà hưu dưỡng của các Frère ở Lafayette (Louisiana, Mỹ) và mất ở đó năm 1998.
     Trong tất cả các Thầy, các Frère đã dạy tôi, người tôi quý mến và chịu ơn nhiều nhất là Frère Rodriguez Hoàng kim Đào. Không những Frère dạy tôi (năm Cinquième) mà còn dạy ngoại ngữ cho vợ con tôi trước khi qua đoàn tụ với tôi ở Montréal (Canada). Frère chưa bao giờ dùng roi vọt với học trò. Frère có một cái kẹp giống như cái kẹp dùng để phơi áo quần, nhưng to hơn nhiều. Khi nào học trò làm ồn thi Frère búng cái kẹp kêu "tóc, tóc" là học trò im ngay. Frère dạy nhiều bài fables de Lafontaine, thơ Lamartine, nhiều bài hát ngắn đến nay, sau gần 60 năm, tôi vẫn còn nhớ. Trong những bài fables de Lafontaine mà Frère đã dạy tôi còn thuộc đến 3 bài dài là "Le loup et l'agneau", "Le chat, la belette et le petit lapin", và "Les animaux malades de la peste". Đây là một đoạn của bài thơ L'isolement" của Lamartine mà tôi còn nhớ:
                     Souvent, sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,
                     Au coucher du soleil, tristement je m'assieds.
                     Je promène au hasard mes regards sur la plaine,
                     Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.
                   
                     Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes.
                     Il serpente et s'enfonce dans le lointain obscur.
                     Là le lac immobile étend ses eaux dormantes,
                     Où l'étoile du soir se lève dans l'azur.
      Và đây là một bài hát ngắn nghe êm đềm như nột bài hát ru em:
                     Le ruiseau dans la plaine
                     Murmure bien faiblement
                     L'oiseau sur le grand chêne
                     Chante bien doucement
                     Bon soir! Bon soir!
                     Petit enfant, bon soir
                     Bon soir! Bon soir!
                     Petit enfant, bon soir.
     Sở dĩ tôi có thể nhớ lâu những câu thơ, bài hát Frère đã dạy, vì lòng tôi luôn luôn nhớ ơn Frère, thường hay nghĩ đến Frère. Nay sắp đến ngày mừng lễ Thượng thọ 90 tuổi của Frère tôi kính dâng lên Frère tấm lòng tri ân, quý mến của tôi. Một người đạo đức, suốt đời tận tụy với chuyện dạy dỗ, đào tạo các thanh niên Việt nam từ thế hệ này đến thế hệ khác như Frère, tôi chắc chắn một chỗ trên Thiên đàng đã dành sẵn. Tuy nhiên chúng ta, hoc sinh của Frère, chỉ là phàm nhân, lòng ai chắc cũng muốn Frère ở lại với chúng ta ít nhất thêm 10 năm nữa cho tròn 100 tuổi.
     Ngày 1 tháng 1 năm 1955 một biến cố trọng đại đã đến với tôi: Ba tôi bi tai nạn qua đời. Tôi trở thành thằng bé bơ vơ không biết có đủ tiền đóng học phí để dọc cho đến cuối nên khóa không. Bí quá hóa liều, tôi xin gặp Frère Bề trên (lúc đó là Frère Camille) trình bày hoàn cảnh của tôi, xin nhà trường cho được miễn đóng học phí. Tôi làm liều thế thôi, chứ cũng không biết trước đó có trường hợp nào tương tự không. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ vì sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh khốn khó của tôi Frère Bề trên nói ngay: "Con đừng có lo chi hết, cứ chú tâm học hành để đậu cho được bằng brevet năm nay, các Frère sẽ cho con hoàn toàn miễn học phí cho đến hết niên học". Frère nói bằng giọng Huế ngọt ngào làm tôi cảm đông đến muốn khóc. Ôi ơn đức của các Frère làm sao tôi có thể trả hết đươc! Thế là tôi yên tâm học tập và đậu được bằng brevet ngay kỳ đầu trong năm đó. Sau niên khóa 1954-55 trường Pellerin không mở lớp Seconde nữa. Nhưng tôi yêu trường Lasan quá mất rồi, không muốn học trường nào khác. Tôi đã khóc hết nước mắt trong hai ngày trời để xin ở nhà cho tôi theo các bạn vào Saigon học ở Taberd, nhưng đã không có đủ tiền để đóng học phí ở Pellerin làm sao có tiền để vào học Taberd! Thế là từ đó vĩnh viễn xa trường sau sáu năm sung sướng ở nơi chốn thần tiên trong quảng đời thần tiên nhất của một con người.
                                                 
 Viết xong tại Montréal (Canada) ngày 17 tháng 5 năm 2011
VÕ VĂN THƠ
(NGUỒN http://www.lasan150.org/detail/binh-linh-yeu-dau---Mjc=.html)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét