Mời đọc

Thứ Năm, tháng 12 12, 2013

Nguồn gốc và ý nghĩa của Mùa Vọng

Tìm hiểu Mùa Vọng
Nguồn gốc và ý nghĩa của Mùa Vọng
Emmaus
Mùa vọng là một thời gian đặc biệt trong năm Phụng Vụ của giáo
hội Kitô để đón nhận ơn cứu độ, ân sủng của Thiên Chúa, và để đợi chờ Giêsu đến. Như là một thời gian chờ mong biến cố Giáng Sinh, với những giáo hội Đông Phương, mùa vọng kéo dài 40 ngày khởi đầu từ Chúa nhật gần lễ thánh Anrê cho đến lễ Hiển Linh. Đối với những giáo hội Tây Phương, mùa vọng khởi đầu năm Phụng Vụ vào Chúa nhật thứ tư trước Giáng Sinh và kéo dài cho đến lễ vọng Giáng Sinh. Thời điểm sớm nhất của mùa vọng khởi đầu vào ngày 27/11 và kết thúc vào ngày 24/11. Thời gian của mùa vọng khác nhau từ 4 cho đến 6 tuần lễ giữa những giáo hội Tây Phương và Đông Phương.
Nhưng đâu là ý nghĩa của mùa vọng: một dịp kỷ niệm sự kiện Giáng Sinh của Giêsu tại hang đá Bêlem xứ Giuđê, một sự tham dự và chuẩn bị của Kitô hữu trước khi Chúa đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, hoặc một kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi người về hài nhi Giêsu đang đến và ở lại với nhân loại trong một thời gian ngắn ngủi của hiện tại? Một trong những cách thức trả lời câu hỏi là tìm về nguồn gốc của mùa vọng. Và với một nhận thức về lịch sử của thời gian khởi đầu năm Phụng Vụ, mùa vọng không những mang đến cho Kitô hữu niềm vui khi kỷ niệm sự kiện Nhập Thể của Ngôi Hai mà còn hướng chúng ta trông chờ trong hy vọng Thiên Chúa đến tại điểm tận cùng của thời gian.
Từ nguyên “mùa vọng” bắt nguồn từ thuật ngữ Latin adventus, nghĩa là đến một nơi hoặc một thời điểm nào đó. Mùa vọng, vì vậy, thường được hiểu như thời gian đợi chờ biến cố Giáng Sinh. Mùa vọng quy chiếu Chúa đến theo hai nghĩa liên hệ nhau trong lịch sử cứu độ: (1) sự kiện nhập thể của Giêsu vào cung lòng Đức Mẹ tại Bêlem xứ Giuđê; (2) biến cố Thiên Chúa đến vào ngày Thẩm Phán để xét đoán kẻ sống và kẻ chết.
Liên quan đến sử tính của mùa vọng, các sử gia không biết chính xác thời điểm mùa vọng được ấn định vào năm Phụng Vụ của Giáo hội. Tuy thế, theo một số học giả về phụng vụ, có tối thiểu hai giả thuyết về nguồn gốc của mùa vọng. Trước hết, một số học giả lập luận rằng mùa vọng khởi đầu tại Tây Ban Nha vào năm 380. Cuối thập niên thứ IV sau Chúa Giáng Sinh, Công đồng Saragossa ban hành sắc lệnh yêu cầu Kitô hữu đến với nhau hàng ngày để ca tụng và phụng thờ Thiên Chúa từ 17/12 cho đến 6/1. Tuần lễ đầu tiên của giai đoạn này tương ứng lễ hội Saturnalia của người Rôma, một đại lễ kéo dài từ 17/12 cho đến 23/12 cử hành việc thờ phượng Saturn – một vị thần bảo trợ mùa màng và nông nghiệp. Với mục đích ngăn chặn Kitô hữu tham dự những nghi thức thờ cúng ngẫu tượng Saturn, Công đồng Saragossa đã thay thế lễ hội này với một lễ nghi Kitô giáo nhằm tôn vinh Đức Kitô – Mặt Trời Công Chính và Ánh Sáng của Thế Giới (Gioan 8:12). Những văn bản của Công đồng, tuy nhiên, đã không đề cập đến nghi thức và việc cử hành phụng vụ của mùa vọng và Giáng Sinh.
Những dấu vết về nguồn gốc của mùa vọng cũng có thể được tìm thấy giữa thế kỷ thứ IV tại Gaul – Pháp. Vào thời điểm đó, giám mục Perpetuus của địa phận Tous yêu cầu Kitô hữu giữ chay ba ngày một tuần – thứ hai, thứ tư, và thứ sáu, khởi đầu từ 11/11, lễ thánh Mactin, cho đến lễ Chúa Giáng Sinh. Những tuần lễ giữ chay thánh Martin là một thời gian đặc biệt Kitô hữu địa phận Tous hãm mình đền tội với mục đích trở nên tôi tớ trung thành tỉnh thức trông chờ Giêsu đến. Trong suốt giai đoạn này, chủ đề Đức Kitô đến phán xét trong ngày Thẩm Phán được nhấn mạnh hơn biến cố Giáng Sinh của Giêsu tại Bêlem xứ Giuđê. Tuy nhiên, cả giám mục Perpetuus của địa phận Tous cũng như Công đồng Saragossa tại Spain đã không đề cập bất cứ điều gì liên quan đến nghi thức phụng vụ của mùa vọng.
Nghi thức phụng vụ của mùa vọng hầu chắc đã được hình thành bởi Giáo hoàng Gregory (590 – 604) vào giữa thế kỷ thứ IV. Giáo hội Rôma cử hành bốn thánh lễ Chúa nhật cùng với ba ngày giữ chay cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu cho sự kiện Giáng Sinh hơn là chờ mong Chúa đến trong ngày Thẩm Phán. Thực vậy, vào thời gian đầu của Giáo hội, mùa vọng vừa là thời gian của hy vọng vừa là thời gian của niềm vui về biến cố Nhập Thể của Giêsu được kỷ niệm vào lễ hội Giáng Sinh.
Với ảnh hưởng của Giáo hội Rôma vào thế kỷ X và XI, mùa vọng bắt đầu nhận một vị trí và hình thức cụ thể hơn trong sách phụng vụ. Mùa vọng với bốn tuần lễ được áp dụng và cử hành khắp nơi trong toàn Giáo hội Tây Phương. Hơn nữa, mùa vọng được chuyển từ vị trí cuối trong năm Phụng Vụ đến điểm khởi đầu với mục đích loan báo những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Những mầu nhiệm này được khởi đầu với biến cố Nhập Thể đánh dấu thời gian Thiên Chúa cứu độ và hoàn tất tại điểm tận cùng của lịch sử với sự kiện Đức Kitô đến lần thứ hai vào ngày Thẩm Phán.
Vào thời điểm hiện tại trong lịch sử Giáo hội, mùa vọng thường được quan niệm như là thời gian toàn thể Giáo hội chuẩn bị đợi chờ Giêsu đến qua sự kiện Giáng Sinh và Hiển Linh. Mùa vọng bao gồm bốn Chúa nhật. Trong khi ba Chúa nhật đầu tiên đặt trọng tâm vào việc chuẩn bị Chúa đến lần thứ hai với lời loan báo của Gioan Ngôn Sứ, tiếng kêu trong sa mạc mời gọi nhân loại chuẩn bị con đường của Đức Kitô, Chúa nhật cuối cùng của mùa vọng, kéo dài từ 17/12 cho đến 24/12, nhấn mạnh những tường thuật trong phúc âm của Luca và Matthêu liên quan đến biến cố Giáng Sinh của Giêsu tại hang đá Bêlem xứ Giuđê.
Chúng ta, nhân loại của thời gian, đang sống giữa quá khứ Giáng Sinh của Giêsu và tương lai của ngày Thẩm Phán, khi Đức Kitô sẽ đến như Ngài đã hứa. Đức Kitô, Đấng Emmanuel, đã đến với nhân loại từ điểm khởi đầu của lịch sử cứu độ và đang hiện diện giữa chúng ta. Sự hiện diện của Giêsu được hữu hình hóa qua Kinh Thánh và các Bí Tích. Trong dòng chảy của lịch sử, Chiên Thiên Chúa đã mang khuôn mặt của con người, và tại điểm tận cùng của thời gian, nhân loại sẽ thấy khuôn mặt ấy một lần nữa khi Đức Kitô xuất hiện trong vinh quang. Cho đến thời điểm đó, không những chúng ta nên tỉnh thức, sống trong hy vọng, nhưng còn mong chờ ngày ấy đến bằng việc thi hành những điều Giêsu tuyên bố tại khởi đầu sứ mạng của Ngài: “Thời gian đã mãn; Nước Thiên Chúa đã gần đến; hãy hoán cải, và tin vào Phúc Âm” (Maccô 1:15).
Nói tóm, mùa vọng có thể đã bắt nguồn từ những lễ hội Kitô giáo nhằm tôn vinh Đức Kitô – Mặt Trời Công Chính tại Tây Ban Nha vào năm 318 hoặc từ tuần lễ giữ chay thánh Martin, một thời gian cầu nguyện trong đợi chờ biến cố Giáng Sinh tại Pháp vào giữa thế kỷ IV. Nguồn gốc của mùa vọng cũng có thể đến từ Giáo hội Rôma khi kết hợp những truyền thống của tuần lễ giữ chay thánh Martin và lễ hội Kitô giáo tôn vinh Đức Kitô, Ánh Sáng của Thế Giới. Trọng tâm của mùa vọng không những liên quan đến việc cử hành biến cố Giáng Sinh của Giêsu nhưng còn hướng Kitô hữu trông chờ trong hy vọng Thiên Chúa đến lần thứ hai vào điểm tận cùng của thời gian. Mùa vọng, vì thế, không đơn giản chỉ là một giai đoạn đánh dấu hai ngàn năm của lịch sử cứu độ. Mùa vọng là một sự kiện tôn giáo cử hành mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Kitô, Đấng đã đến và đang đến để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Đó là một tiến trình trong thời gian mà chúng ta, Kitô hữu, mong chờ trong niềm tin và hy vọng.
Với trọng tâm vào quá khứ, hiện tại, và tương lai của lịch sử cứu độ, mùa vọng biểu tượng hóa hành trình thiêng liêng của mỗi cá nhân và của toàn thể Giáo hội. Chúng ta tin rằng Giêsu đã đến với nhân loại tại hang đá Bêlem xứ Giuđê, Ngài đang hiện diện trong thế giới, và Ngài đang đến để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ, tội lỗi, và cái chết. Niềm tin đó mang lại nền tảng cho một cuộc sống mới trong Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất, cho một nhận thức sâu xa rằng chúng ta đang sống giữa dòng thời gian của quá khứ - hiện tại - tương lai, và cho một sự xác tín rằng Kitô hữu được gọi để yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim, yêu mến anh em như người Samaritanô nhân hậu, và mong chờ trong hy vọng như người quản lý trung thành đợi chờ Giêsu đến.
                                                                  sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét