Mời đọc

Thứ Bảy, tháng 4 18, 2015

Ơn gọi nào tốt cho tôi?


Mỗi bạn trẻ công giáo khi  bước vào đời luôn tự mình đặt ra cho bản thân mình câu hỏi: “ đi tu hay lập gia đình?” Và còn rất nhiều câu hỏi liên quan mà mỗi người khảo sát bản thân mình: hôn nhân , tu trì con đường nào cao đẹp hơn? Liệu có nên thánh được trong đời sống hôn nhân? Đâu là lí tưởng, mục đích của ơn goi tu trì? Dĩ nhiên cũng có không ít câu thở dài của các bạn trẻ : Tôi đã chọn lầm ơn gọi, biết khổ rứa rồi đi tu sướng hơn hay tôi thấy không hạnh phúc với đời sống tu trì!
Thực tế, đi tu hay lập gia đình đều là ơn mà Thiên Chúa ban cho mỗi con người, đó là sự cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu chuộc của Ngài. Thiên Chúa đã thôi thúc và nhắn nhủ con người về ơn gọi rất nhiều trong Kinh Thánh: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về (Mt 9,37-38), “Có vợ hiền, chồng thật có phúc, đời sống chàng sẽ tăng gấp đôi
Vợ đảm đang làm chồng hả dạ,sống an vui trọn cả cuộc đời
Vợ hiền đức là phúc phận may, ban cho ai kính sợ Chúa Trời
Giàu hay nghèo vẫn an vui và mặt mày suốt đời hớn hở”
                                                                                           (Huấn ca 26, 1-4)

Cho nên, nếu sống trọn và tốt với ơn gọi mỗi con người, dù tu trì hay lập gia đình thì đều là ý muốn của Đấng Tạo Dựng. Trong cuộc sống, nếu tu là cõi phúc thì tình không thể là dây oan. Bởi tu hay tình đều quy về một chữ “yêu”. Tu hay tình đều là Thiên ý, đều là mến Chúa yêu người, tu chân chính và tình đích thực –cả hai đều là cõi phúc.
Một số người quan niệm chỉ đời sống tu trì mới là ơn gọi, đôi lúc người ta đồng nhất ơn gọi tức là đi tu. Trong quan niệm cổ truyền Việt thì đi tu có nghĩa là từ bỏ đời, chưa hẳn là như vậy, đi tu là vào đời thì đúng hơn. Nhưng làm sao để hiểu được sự vào đời trong đời sống tu trì đây? Thật khó! Khi nói chuyện về tương lai với bạn bè người lương dân, nếu nói bạn đi theo tu trì, thì câu nói tiếp theo dành cho bạn là “điên”. Suy nghĩ lại thì cũng có ý đúng, cuộc sống muôn màu, tươi đẹp như thế mà không tận hưởng, không cảm nhận tự nhiên đi tu ăn cơ, nhịn cực, mặc đẹp không cho . Nhu cầu cuộc sống cả, lẽ ra mình phải có quyền nhận. Thiết nghĩ, bản thân người đi tu đang thực hiện cho mình một cuộc cách mạng, bởi sống trọn đời tu đâu phải dễ, kiềm chế dục vọng, sống hòa hợp với cộng đoàn, chu toàn bổn phận, làm việc trong tinh thần phục vụ. Có thể nói sống đời tu là một hành trình chông gai, thử thách, là sự đấu tranh của bản thân để đạt được ý Chúa muốn. Suy cho cùng thì không có con đường ta chọn nào mà không chông gai, vì trên dương gian chẳng có con đường nào thẳng tắp và êm ái bất tận. Chính vì vậy, những người dám lựa chọn và dấn thân vào đời tu phải có kĩ năng sống tích cực với ơn gọi mà mình nhận, đặc biệt tìm được niềm vui đích thực, bình an và hăng say trong đời sống này.  Lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại lời mời gọi của Ngài là lời khuyên răn của các Đấng Bậc trong Hội Thánh dành cho mỗi người trẻ. Liệu mỗi người trẻ có thưa được với Chúa như Samuel: “ Xin Ngài phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.

“Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St1, 18). Lời Chúa đã giúp cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của đời sống hôn nhân trong cuộc sống con người. Vai trò hôn nhân và gia đình cực kì to lơn đối với sự phát triển của Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao lô II đã viết trong Tông Huấn của Ngài: “Gia đình là một Giáo Hội thu nhỏ, gia đình được tháp nhập vào mầu nhiệm Giáo Hội đến nỗi trở nên, theo cách thể của mình, một tham dự riêng vào sứ mệnh cứu độ riêng của Giáo Hội”. Lại một câu hỏi đặt ra, làm sao để sống tốt và trọn với ơn gọi hôn nhân và đời sống gia đình? Ly di, ly thân, ngoại tình, gia đình đổ vở là vấn nạn của đời sống hôn nhân hiện nay. Làm thế nào để tình yêu thực sự tồn tại vững bền giữa vợ và chồng trong đời sống hôn nhân? Quyết định sống đời sống hôn nhân khiến người trẻ đắn đo suy nghĩ và lựa chọn không kém. Cách thức lớn nhất lúc này có lẽ là chuyên tâm cầu nguyện, đó là cách thức mà Chúa sẽ trả lời cho chúng ta những băn khoăn, những khắc khoải, những âu tư.
Như vậy, tu trì hay hôn nhân đều ơn là do Chúa ân thưởng cho con người. Đều là cơ sở, là con đường giúp con người nên thánh. Tựu trung lại thì ở đâu cũng có những niềm vui, hạnh phúc hay khó khăn , thách thức riêng. Và điều đặc biệt bản thân mỗi người trẻ có mở lòng, thưa chuyện với Chúa và sẵn sàng vượt qua gian nan để tiến về phía trước không? Đó là điều khó nhất!

                                                                                                       Bắc Bom Bi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét