Dấn thân trọn vẹn vào Nước Trời, Giáo Hội như một chiếc xe đang hướng đi về Nước Trời. Đường còn xa, mưa gió và bão tố vẫn không ngừng quần quật; con đường thì gập ghềnh sỏi đá; xung quanh đầy những thế lực trần gian đe dọa. Đó là một cuộc hành trình hiểm nguy, bấp bênh, đến độ những người bình thường, với sự khôn ngoan của một đầu óc thế gian, sẽ chẳng dại gì lao vào cuộc.
Giáo dân là những người có trách nhiệm chất hàng lên xe (lòng tận tụy ấy chỉ có thể có được khi nhận ra trên xe “còn có người”, nghĩa là là nhận ra chứng tá của tu sĩ); giáo sĩ là những người có nhiệm vụ lôi kéo và điều khiển chiếc xe (cũng thế, người giáo sĩ mà không thấy có người trên xe, thì cũng khó lòng dồn sức mạnh của mình để kéo một cỗ xe không); còn tu sĩ là những người leo hẳn lên xe, dấn thân trọn vẹn vào “cỗ xe gian nguy của Nước Trời”, dám đánh đổi cuộc đời mình vào mầu nhiệm Nước Trời. Trên cỗ xe ấy, người tu sĩ chăm sóc cho mọi thành phần, vẫn có khả năng vui đùa đầy lạc quan; vẫn có khả năng thể hiện tình nghĩa, an ủi và làm vơi đi những nhọc nhằn trên hành trình về Nước Trời. . . .
* Đấu tranh cho Nước Trời trong đời sống xã hội
Cuộc sống xã hội Việt Nam hôm nay đầy những vấn đề : kinh tế suy thoái, quốc nạn tham nhũng, khoảng cách giầu nghèo quá cách biệt, bất công và những khiếu kiện đất đai lan rộng khắp nơi, vấn đề ô nhiễm môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động đỏ… tình trạng giáo dục tụt hậu quá xa so với thế giới, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, phẩm giá con người bị coi thường, nhân cách con người bị phá sẳn, gian dối trong mọi lãnh vực, giới trẻ mất định hướng …
Nếu ví cuộc sống xã hội như hai đứa trẻ chơi game trên vi tính, thì tình hình sẽ là: trong khi người ta giành nhau để đạt được những điểm cao trên màn hình, thì người tu sĩ lại giống như những đứa trẻ vui chơi, không phải vì số điểm, mà là vì niềm vui cùng chơi với nhau. Cách nhìn của người tu sĩ giống như, trong đời sống gia đình, khi tổng kết cuối năm, người ta không đánh giá thành quả của năm qua bằng những thành công cụ thể (xây nhà, thi đậu, trúng mánh…), nhưng nhận ra niềm vui được sống thêm một năm và “dầy thêm nghĩa tình” trong đời sống gia đình.
Cuộc đấu tranh chống thế lực của “trần gian” không phải chỉ là phá đổ cái xấu, nhưng sâu xa hơn, là gieo mầm cái tốt. Có thể nói, cuộc đấu tranh của tu sĩ giống như cuộc “thi tuyển” nhiều hơn là cuộc chiến tranh. Người tu sĩ trong xã hội có thể bị coi như một kẻ “thả mồi bắt bóng”, hơi giống như một “gã khờ” trong cuộc sống hôm nay, hơi giống như “thằng bờm” đối với phú ông…
Người tu sĩ sống trong xã hội trần thế có đầy những quy luật cạnh tranh khốc liệt của trần thế, nhưng không rơi vào qui luật “giang hồ” của cuộc đấu tranh, mà lại tha thiết “đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước”.
2. Nhìn về cuộc sống từ quan điểm Nước Trời
* Nước Trời khác với thế gian trong mức độ phẩm chất
Ba mức độ quy luật của cuộc sống :
- Thế giới mạnh được, yếu thua: thế giới của sinh vật là thế giới của sức mạnh, của răng nhọn và móng vuốt.
- Thế giới thuận mua vừa bán : con người ta muốn vươn tới một thế giới công bằng hơn, thể hiện một sự trao đổi sòng phẳng thuận mua vừa bán. Nhưng thật ra, thế giới dù có văn minh đến đâu, cũng không thể vượt qua được tính chất “cá lớn nuốt cá bé” vẫn ngấm ngầm chia phối sâu xa.
- Thế giới tặng không và lãnh nhận với lòng tri ân : Nước Trời là thế giới của tình nghĩa, nơi đó con người được Thiên Chúa ban tặng một cách nhưng-không (Tám Mối Phúc). Người tu sĩ là người sống mầu nhiệm Nước Trời trong lòng thế giới, nghĩa là sống Tám Mối Phúc, nghĩa là sống trong sự lãnh nhận với lòng tri ân và trao tặng nhưng-không.
* Nước Trời khác với thế gian trong khía cạnh phương pháp
Trình thuật Cám Dỗ trong Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ những khía cảnh của cám dỗ muốn sống theo kiểu thế gian, giải quyết cuộc đời theo kiểu thế gian :
- Cám dỗ của bánh mì: chinh phục người ta bằng lợi lộc
- Cám dỗ của sự lạ: chinh phục người ta bằng cách khống chế trí khôn
- Cám dỗ của quyền lực: chinh phục người khác bằng quyền lực thống trị.
+ Cái gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý và cái gì là nguyên lý thì cũng là cứu cánh. Nếu Nước Trời được xây dựng bằng nguyên lý lợi lộc vật chất, nguyên lý tri thức khôn ngoan hoặc nguyên lý quản trị, thì sẽ không thể đạt đến cứu cánh là Nước Yêu Thương được.
3. Tu sĩ Việt Nam trong xã hội hôm nay
* Sống sung mãn nguyên lý của Nước Trời
- Sống sự công chính mới : không phải là sống theo luật như một đòi buộc bên ngoài, nhưng là tự nguyện đón nhận Thánh Ý Chúa (vượt trên luật). Khi đó, trọng tâm làm nên ý nghĩa cuộc đời người Kitô hữu không còn dựa vào bất cứ một luật lệ vô ngã nào, nhưng là dựa vào mối tương quan ngôi vị. Đây quả thật là một cuộc phiêu lưu; cuộc phiêu lưu chỉ có thể có tình yêu và lòng tin tưởng như điểm tựa duy nhất. Mẫu gương cao đẹp nhất là cung cách của Mẹ Maria và thánh Giuse.
- Sống niềm tin trong tự do và tự nguyện: chỉ khi tự do và tự nguyện, người ta mới có thể đi vào thế giới nghĩa tình. Trong thế giới ấy, nghĩa tình của ta với Chúa được thăng tiến dần dần theo “quy luật” đắp đổi, theo kiểu “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại”.
- Sống tâm tình tri ân và dám dâng tặng chính bản thân: khi không còn giản lược tương giao vào sự vật, người sống sự công chính mới sẽ nhận ra trong mọi tình tiết của đời sống đức Tin, một sự trao đổi bản thân cho nhau, một sự trao đổi chính tình nghĩa; và khi đó, người tu sĩ sẽ được thôi thúc sống lòng tri ân.
* Trở nên dấu chỉ Nước Trời
- Khám phá những hạt men Nước Trời đang ẩn khuất trong cuộc sống hôm nay, ngay trong gia đình, ngay trong cộng đoàn, ngay trong lớp học….
- Trân trọng và tin tưởng vào sức mạnh của men Nước Trời hơn tất cả những sức mạnh của thế gian. Hạt men Nước Trời trong cuộc sống thật bé bỏng, bé bỏng như hạt cải, nhưng người tu sĩ lại nhận ra tất được sức mạnh cứu độ của Hạt Men Nước Trời.
- Góp phần vun trồng, chăm bón, và nếu cần, phải dám hy sinh chính bản thân để làm chứng cho sự hiện diện của Nước Trời trong xã hội hôm nay.
Kết
- Hiên ngang với ngọn cờ của người tu sĩ : Hiến Chương Nước Trời - Tám Mối Phúc. Không phải người tu sĩ luôn luôn là những người sống trọn tám mối phúc, nhưng vẫn phải luôn luôn là những người giương cao ngọn cờ.
++++++++++++++
* Gợi ý thảo luận
1. Bạn có nhận ra được sự hiện diện của Nước Trời trong xã hội hôm nay không? Thử chia sẻ kinh nghiệm của bạn.
2. Bạn có xác tín sự chiến thắng của Nước Trời trong xã hội hôm nay trong mọi lựa chọn của mình ?
3. Bạn có dám làm chứng cho Nước Trời đến độ dám lao cả bản thân mình vào cuộc?
Nguyễn Trọng Viễn O.P.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét