Mời đọc

Thứ Hai, tháng 10 01, 2012

Năm phút mỗi ngày: Suy niệm Lời Chúa tháng 09/2012









Suy niệm: Những trái cam vàng ửng, những chùm nho mọng mướt trông thật ngon lành, nhưng người tiêu dùng vẫn không thể yên tâm vì mối nguy hiểm do dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản,… ngấm ngầm trong đó biến chúng thành những thứ thuốc độc hại chết người. Cái bẩn từ bên ngoài như bụi đất có thể rửa sạch được; còn những thứ ô nhiễm từ bên trong làm hư hỏng sự vật ngay từ bản chất, thì khó lòng gột rửa được. Chúa Giêsu nhấn mạnh những dục vọng bất chính từ lòng người xuất phát ra mới thực sự làm người ta ra dơ bẩn. Bị dơ bẩn từ trong tâm mà chỉ tẩy rửa bên ngoài mà thôi thì không thể sạch được. Chúa dạy ta muốn làm sạch phải làm sạch từ cái tâm: “Hãy bố thì những gì ở bên trong thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch” (x. Lc 11,41).






Suy niệm: Không cần phải lý luận dài dòng về tầm quan trọng của Lời Chúa. Ai cũng biết đó là lời ban sự sống, lời ánh sáng, lời giải thoát và cứu độ... Nhưng có lẽ vấn đề đặt ra là làm sao để việc đọc lời Chúa – đọc cách trang trọng và nghiêm túc và coi đó như một việc đạo đức, một điểm hẹn để gặp gỡ Chúa Kitô không thể thiếu được – trở thành một thói quen sáng tối trong các gia đình, một việc làm bình thường tự nhiên trong các lớp giáo lý, các cuộc họp tổ, hay trong đời sống riêng tư hằng ngày. Rồi cũng phải làm sao để trong mỗi nhóm có ít nhất một hai người đọc Lời Chúa xong còn có khả năng để gợi ý cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, tìm ra những cách thức cụ thể để áp dụng Lời Chúa.







Suy niệm: Các kiểu nói như “đem đạo vào đời, thánh hóa các thực tại trần thế” mới được nói nhiều đến trong những thập niên cuối thế kỷ trước. Nhưng từ thời Chúa Giê-su, việc đó đã khởi sự. Bởi lẽ sứ mạng của Chúa Giê-su là nhập cuộc vào thế gian này để giang tay cứu độ hết muôn người và dẫn họ về với Chúa Cha. Ma quỷ không muốn thế. Để giảm thiểu tầm hoạt động của Chúa, nó đề nghị giải pháp “qui hoạch” “khoanh vùng” mà thực tế là để nó tự do tung hoành: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Đối với nó việc Chúa đến để tiêu diệt nó là một việc “dài tay”, ngoài phận sự, tốt nhất chuyện ai nấy làm.











Suy niệm: Phêrô vẫn coi Chúa như một vị Thầy mà ông hết lòng kính mến vâng phục. Ông vẫn lui tới với Thầy, sẵn lòng với Thầy đến mức dâng cả chiếc thuyền mộc mạc của mình để Thầy dùng làm bục giảng, và còn chiều ý Thầy thả lưới thêm một lần nữa dù cả đêm hôm qua chẳng bắt được gì. Thế nhưng ông dừng lại ở đó, kể cả sau mẻ cá lạ lùng này, ông không dám đi xa hơn với Chúa. Phản ứng đó của Phêrô chẳng những hợp lý mà còn khiêm tốn nữa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”.Nhưng lôgíc của ơn cứu độ không chấp nhận dừng lại như thế. Chúa Giêsu hoán cải Phêrô rồi còn muốn ông phải tiến xa hơn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thiên Chúa cứu độ nghĩa là Thiên Chúa yêu thương, yêu cách triệt để, yêu cho đến cùng, yêu ở mức cao nhất (x. Đường Lên Núi Chúa).






Suy niệm: Từ sau cuộc lưu đày bên Babylon và nhất là trong cuộc bách hại của đế quốc Hy Lạp, giới kinh sư và Pharisêu muốn bảo vệ sự tinh tuyền của Do Thái giáo bằng một lối sống đạo thật nhiệm nhặt. Vì thế đối với họ, thì ăn chay là việc đạo đức tối quan trọng. Thế nhưng khi Chúa Giêsu đến trần gian, lịch sử cứu độ đã sang trang. Ngài được sai đến để mở ra vận hội ân phúc mà Ngài ví như một tiệc cưới, trong đó Ngài chính là chàng rể và mọi người đều được mời tham dự. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng không phải là ăn chay hay làm những việc theo truyền thống khác nhưng là sống với Ngài, để được Ngài dẫn vào cuộc sống thân tình với Thiên Chúa. Chính vì không ra khỏi tư duy của mình, những người Biệt phái đánh mất một cơ hội thưởng thức thứ rượu cứu độ mới Chúa Giêsu mang đến.






Suy niệm: Thánh Kinh đã không đề cập tới ngày sinh của Mẹ Maria. Nhưng theo giáo huấn của Giáo Hội, ngày này được nhắc tới như một biến cố quan trọng của lịch sử ơn cứu rỗi và được mừng kính một cách đặc biệt. Chúng ta có lý do chính đáng để mừng kính ngày Mẹ ra đời, như lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Đây là “ngày mà niềm hy vọng và vầng hồng Cứu rỗi ló dạng trên trần gian” bởi vì “từ Mẹ mọc lên Mặt Trời công chính là Chúa Kitô, Chúa chúng ta.” Mẹ đã đóng một vai trò không thể thiếu trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa: là Mẹ Thiên Chúa làm người và Mẹ của cả loài người. Ngày sinh của Mẹ báo hiệu ngày sinh của Đấng Cứu Thế, và nhờ đó mới có ngày chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, ngày sinh nhật của Mẹ là ngày mà cả trời đất phải vui mừng hoan hỉ.






Suy niệm: Cổ nhân có nói: “Nhân vô thập toàn,” không ai có thể làm việc gì cũng tốt đẹp. Với quan niệm đó, người đồng hương của Chúa Giêsu không thể hiểu khi thấy những việc tốt đẹp Ngài làm. Bởi vì họ nhìn Chúa Giêsu chỉ như một con người tầm thường chứ không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến:“Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria?... Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,54-57). Còn những người dân ngoại trong vùng Thập Tỉnh thấy phép lạ Chúa làm thì kinh ngạc và thốt lên: “Mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp.” Lời đó chẳng khác nào một lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng đang thực hiện một cuộc sáng tạo mới, khi nhắc nhớ tới lời Thánh Kinh nói về công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Người mù từ mới sinh được Chúa chữa lành đã minh nhiên tuyên xưng như vậy: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33).






Suy niệm: Để có thể tập chú quan sát, người ta phải thu hẹp góc nhìn, nheo mắt lại, có khi phải che bớt ánh sáng mới có thể nhìn rõ một điểm nhỏ, một chi tiết nào đó trong toàn cảnh. Các kinh sư và người Pharisêu ắt cũng làm như thế khi họ “rình mò” xem Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày sabát hay không. Thế nhưng việc “rình mò” của họ không đem lại hiệu quả như việc quan sát kia. Chính tâm địa hẹp hòi pha lẫn ác ý khiến họ không nhận ra được lẽ phải: “phải làm điều lành thay vì điều ác, phải cứu sống thay vì giết chết;” hơn nữa, họ trở nên vô cảm, mất khả năng bao dung thương xót trước những đau khổ khốn cùng của anh em.






Suy niệm: Hành trang đám đông mang đến với Chúa là mọi bệnh tật của họ kèm theo lòng vững tin chỉ có Chúa chữa lành. Dẫu còn mang nhiều yếu tố ích kỷ, vụ lợi, lòng tin này là động lực thúc đẩy họ để lại công ăn việc làm, vượt đường xa đến với Chúa. Khi chạm vào Ngài, “một năng lực tự nơi Ngài phát ra” chữa lành họ. Thật vậy, đức tin luôn luôn được đáp trả. Áp-ra-ham vững tin đem con tế lễ Thiên Chúa, ông được Thiên Chúa đáp trả bằng cách ban lại I-sa-ác con ông và đặt ông làm cha những kẻ tin. Đức Maria cất tiếng xin vâng lời Thiên Chúa muốn, Mẹ được làm mẹ Thiên Chúa. Đức tin của đám đông hôm nay được Thiên Chúa quảng đại ban mọi ơn chữa lành để đáp trả.






Suy niệm: Nếu đem Lời Chúa của Tin Mừng hôm nay đặt trong hoàn cảnh hiện tại thì thật là mâu thuẫn, bởi vì con người đang ra sức chạy cho kịp đà tiến bộ khoa học, kỹ thuật, rồi hấp lực của tiền tài, danh vọng. Trong khi đó các mối phúc mà Đức Giêsu tuyên bố chẳng khác gì tiếng sét đánh đổ cả chương trình, ước vọng của con người. Và chính Ngài tự nhận sống nghèo, tự chuốc lấy bắt bớ đoạ đầy. Phải chăng Ngài giả như mê ngủ để cho sự dữ hoành hành trong thế gian: bệnh tật, nghèo đói, tệ nạn. Vậy Lời Chúa muốn nói gì? Điều Đức Giêsu muốn nói là Ngài đã cho con người thống trị mọi loài. Ngài luôn muốn cho con người sống an vui, hạnh phúc, sử dụng mọi của cải vật chất do tay con người làm ra nhưng làm sao phải sống cho Nước Trời trước tiên, mọi sự khác đều là phương tiện.






Suy niệm: Chúa Giêsu dạy phải có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Nhưng làm thế nào đây? Thưa, khi dạy như thế Chúa Giêsu cũng cho chúng ta câu trả lời bằng chính thân phận và cuộc sống của Ngài, đặc biệt “giờ” của Ngài là cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ngài thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn” và Ngài giảng dạy họ và còn cho họ ăn no. Ngài thổn thức trước nỗi khổ của những người bệnh tật, trước người cha có đứa con bị quỉ ám, trước người mẹ có đứa con trai duy nhất phải chết đi. Và Ngài đã ra tay cứu giúp họ. Ngài không chỉ tuyên bố tha tội trong một số trường hợp, mà còn kêu cầu Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh Ngài.






Suy niệm: Thánh giá trên nóc nhà thờ, ở giữa gian cung thánh, thánh giá trên bia mộ, trên bàn thờ gia đình, trên đôi tai của phái nữ… Ta làm dấu thánh giá trước mỗi cử hành đạo đức, trước và sau mỗi bữa ăn, cầu thủ làm dấu thánh giá trên sân cỏ… Dù ở đâu và lúc nào, thánh giá hay dấu thánh giá luôn được coi như một biểu tượng nói lên niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng chịu treo trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Khi suy tôn, ca ngợi thánh giá, người Kitô hữu không ca ngợi đau khổ, nhưng ca ngợi tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Chúa Kitô không cứu ta bằng đau khổ, nhưng bằng tình yêu, tình yêu đi đến tận cùng, tình yêu hiến mạng. Cùng với thánh giá vàng, bạc, gỗ... hay dấu thánh giá ghi nơi thân xác, ta còn có một thánh giá vô hình khác đồng hành với ta suốt đường đời: thánh giá trong đời sống Chúa gởi đến mỗi ngày.






Suy niệm: Đức Maria là người được nhắc đến đầu tiên đứng gần thánh giá Chúa, hiệp thông với Chúa Giêsu trong của lễ hiến tế. Đời Mẹ gắn liền với mầu nhiệm Chúa Giêsu Con của Mẹ: vất vưởng khi sinh Con ở Bêlem, lao đao trong những ngày lưu lạc sang Ai Cập, sợ hãi âu lo khi trở về Nagiarét, cùng vất vả với Con trong những năm rao giảng, đau khổ tột cùng khi nhìn Con bị chết treo trên Thập Giá. Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ vâng phục, nhờ đức Tin, đức Cậy và đức Ái nồng nhiệt. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, Đức Maria thật sự là Mẹ của chúng ta “Này là Mẹ con”, “Đây là con Mẹ” … Với những lời cảm động này, Đức Giêsu đã mạc khải cho Đức Maria tuyệt đỉnh của chức làm Mẹ: Mẹ Giáo Hội, Mẹ của các Kitô hữu.






Suy niệm: Nhiều nhân vật nổi tiếng đã có nhận định tốt đẹp về Đức Giêsu. Chẳng hạn sử gia người Anh H. Wells thú nhận: “Tôi là một sử gia, chứ không phải là một tín hữu, nhưng tôi phải thú nhận rằng vị giảng thuyết không một xu dính túi từ Nadarét chính là trung tâm của lịch sử, rõ ràng Đức Giêsu là khuôn mặt nổi bật nhất của toàn bộ lịch sử.” Nhà văn Nga F. Dostoievsky xác tín:“Tôi tin rằng không có ai sâu sắc hơn, dễ mến hơn, thông cảm hơn và hoàn hảo hơn Đức Giêsu - không chỉ chẳng có ai như Ngài, nhưng sẽ không bao giờ có ai được như Ngài.” Cựu Tổng bí thư M. Gorbachev lại cho rằng “Đức Giêsu là con người xã hội chủ nghĩa đầu tiên, người đầu tiên kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.”






Suy niệm: “Đức tin là tin điều ta không thấy; và phần thưởng cho niềm tin này là thấy điều ta tin” (Th. Âutinh). Các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ luôn nói đến các đại đội trưởng Roma với nhiều thiện cảm. Nơi viên đại đội trưởng này, ngoài đức tính can đảm, khôn ngoan của các đại đội trưởng Roma, ông còn là người yêu thương đầy tớ, đang khi thời ấy đầy tớ bị coi như một đồ vật! Với Đức Giêsu, ông tỏ ra rất khiêm tốn: xin Ngài đừng đến nhà mình vì biết người Do Thái không được phép đến nhà người ngoại giáo. Ông còn chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ: là sĩ quan, ông hiểu rằng mệnh lệnh của ông phải được thi hành ngay tức khắc, huống chi lệnh truyền của Đức Giêsu! Rốt cuộc, ông đã nhìn thấy kết quả điều mình tin: người đầy tớ được chữa lành.






Suy niệm: Trong khi bài Tin Mừng hôm qua (Lc 7,1-10) cho thấy phép lạ được thực hiện do lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng vào Đức Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay lại nhấn mạnh đến phép lạ được thực hiện do tình thương của Chúa. Trước cảnh bà góa đang đau đớn vì cái chết của đứa con trai duy nhất, “Chúa chạnh lòng thương,” cho anh sống lại và “trao anh ta cho bà mẹ.” “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” để đem sự sống cho dân mình, không chỉ sự sống lại của thân xác thể lý, nhưng cả sự sống thần thiêng của Thiên Chúa. Sự sống đời đời ấy không phải nơi thế giới bên kia, nhưng đã bắt đầu ngay hôm nay.






Suy niệm: Đám trẻ ngồi chơi ngoài chợ luôn có lý do để từ chối trò chơi do bên kia đưa ra: chúng tôi không vui nên không thích chơi trò đám cưới; nhưng chúng tôi cũng có buồn đâu mà chơi trò đám tang! Chúng luôn tìm lý lẽ để bắt bẻ đối thủ của mình. Người đương thời với Chúa Giêsu cũng hành xử cách “trẻ con” như vậy: ăn chay khắc khổ, cô độc trong hoang địa như Gioan Tẩy Giả thì bị họ cho là quỷ ám; sống như Chúa Giêsu dấn thân hoà mình với những người bị gạt bên lề xã hội thì bị gán là tay ăn nhậu, kẻ phóng túng! Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho họ thấy sự thật không tùy thuộc nơi những chỉ trích, “chụp mũ” cách “trẻ con” của họ, nhưng nơi hiệu quả của việc làm. Gioan Tẩy Giả đã thúc đẩy phong trào sám hối nơi dân Chúa, cũng như Chúa Giêsu đã tạo nên một cung cách tương quan mới mẻ, tốt đẹp với Thiên Chúa và với con người.






Suy niệm: Tòa án của loài người thường cân lường tội trạng của tội nhân để tìm ra hình phạt cân xứng. Thiên Chúa không áp dụng cán cân như thế với tội lỗi chúng ta. Vì chưng, Ngài có một trái tim vô cùng nhân hậu. Ngài yêu thương và tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta, chỉ cần ta yêu mến Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu hoàn toàn tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng cấp thành phố vì chị yêu mến Chúa nhiều. Tình yêu của chị dành cho Chúa mạnh đến nỗi chị sẵn sàng làm tất cả dù phải "mất mặt" hay "mất của," vì chị hiểu rằng chỉ có lòng sám hối ăn năn trở về với Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc đích thực.






Suy niệm: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi” vì Ta có lòng nhân từ. Thành quả của lòng nhân từ ấy chính là kêu gọi Lêvi, người thu thuế, người bị coi là toi lỗi trở thành tông đồ Mátthêu của Chúa. Hơn thế nữa, thánh nhân còn được chọn để viết sách Tin Mừng thứ nhất. Hơn cả sự mong đợi của chính Ngài, và làm cho những người có đầu óc kỳ thị, phê phán phải sững sờ. Nếu sự gian ác làm ta phải kinh ngạc, thì lòng thương xót cũng có tác động không kém. Lòng thương đó được biểu lộ qua sự tha thứ, yêu thương, chọn gọi, tin tưởng giao phó những sứ mạng cao cả. Chúa làm điều này vì Ngài biết rõ điều mình làm và có khả năng xuyên thấu tâm hồn những người Ngài chọn lựa và hoán cải.











Suy niệm: Đón tiếp một đứa bé là đón tiếp một con người chẳng có gì để trả công, chẳng có gì để đền đáp lại, cũng chẳng có gì để bị lợi dụng. Đón tiếp một đứa bé như thế là đón tiếp cách vô vị lợi, đón tiếp một con người chỉ vì yêu thương. Em bé tiêu biểu cho những người đang thiếu thốn, cần sự quảng đại giúp đỡ của ta mà ta chẳng thu lợi được gì! Em bé cũng tượng trưng cho những kẻ tầm thường, chẳng có chút địa vị, danh giá hay ngoại hình nổi bật gì trước mắt người đời. Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với những em bé như thế, để ai đón tiếp, kết thân với những loại người như vậy là đón tiếp, kết thân với chính Ngài và đón tiếp Đấng đã sai Ngài là chính Thiên Chúa Cha.






Suy niệm: “Anh hùng là người khơi lên ngọn lửa lớn trong thế giới, đốt lên những ngọn đuốc cháy sáng trên nẻo đường tối tăm của cuộc đời cho con người. Thánh nhân là người đi qua những con đường đen tối của thế giới, chính ngài là ánh sáng” (F. Adler). Không phải mọi Kitô hữu đều có thể trở thành anh hùng, nhưng mọi Kitô hữu có bổn phận trở thành thánh nhân. Cuộc sống của người Kitô hữu tự nó là ánh sáng. Khi ta sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật, nỗ lực thực hiện Lời Chúa ta đã nghe và suy gẫm, cuộc đời ta trở nên ánh sáng, thứ ánh sáng có sức chiếu tỏa cho người chung quanh. Khi ta cố gắng thực thi điều răn mến Chúa yêu người, ánh sáng sẽ bừng lên nơi ta.






Suy niệm: Ta vẫn thường trăn trở: Làm sao tìm được niềm vui trong cuộc sống? Làm cách nào để mỗi ngày ta có thể chọn một niềm vui? Đối với người Kitô hữu, cách tốt nhất để có được niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày và bền lâu là làm theo thánh ý Chúa. Tại sao thế? - Thưa, Đức Giêsu đã diễn tả Nước Trời như tiệc cưới vui vẻ. Nước Trời ấy được định nghĩa cách vắn gọn là xã hội trên trần thế nơi ý Chúa được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời. Đức Giêsu là mẫu người hoàn hảo đã làm cho ý Chúa và ý mình nên một. Vì vậy, ai chú tâm lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Đức Giêsu thì trở nên những người em thân thiết với Ngài, là con cái Cha trên trời, là công dân của Nước Trời vui tươi.






Suy niệm: “Bài sai,” một từ cổ “nhà đạo” nghe thật lạ tai ngay với cả với các “bổn đạo” nhưng lại nói lên thật đúng ý nghĩa của sứ vụ lệnh mà Chúa Giêsu trao cho các tông đồ. Bài sai đó là: 1/ ra đi tay không; 2/ sẵn sàng đón nhận mọi cảnh sống: đến nhà nào thì ở lại đó, và cũng từ đó mà ra đi; 3/ sứ mạng chính: rao giảng Tin Mừng và chữa lành. Những yêu cầu đó xem ra cũng dễ chấp nhận trừ yêu cầu đầu tiên. Đã hẳn chúng ta không thể những lời: “đừng mang gì đi đường, đừng có hai áo…” theo nghĩa đen; chính Chúa Giêsu cũng đã mang hai áo trong cuộc khổ nạn của Ngài (Ga 19,23-24), và Ngài cũng có một người quản lý tài sản, số tài sản tuy không nhiều nhưng cũng đủ làm phúc bố thí cho người nghèo (Ga 13,29). Những lời ấy nhấn mạnh đến tinh thần khó nghèo và phó thác. Chúa sẽ liệu một khi Ngài có ý sai đi. Ngài thấu hiểu tính lo xa của từng vị. Nhưng Ngài không thay đổi lệnh ban vì Ngài sẽ đi cùng họ trong các hoạt động tông đồ.






Suy niệm: Nghe biết những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, Hêrôđê không khỏi phân vân. Phải chăng ông bị cắn rứt vì toà án lương tâm nơi ông vẫn tiếp tục lên tiếng? Thật vậy, khi phạm tội tày trời là cướp vợ anh mình, bị Gioan cảnh báo, “nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe” (Mc 6,20). Đã thế ông không hối cải mà lại càng lún sâu vào tội lỗi: trong một phút cao hứng lỡ lời ông hứa càn với con gái Hêrôđia, và vì sĩ diện ông đã truyền chém đầu Gioan Tẩy Giả. Phải chăng lương tâm không ngừng cắn rứt ông vì những tội ác đó nên ông lại phân vân và tìm cách gặp Chúa Giêsu? Thế nhưng sự hối hận của nhà vua chỉ là một thoáng phù du. Ông tìm gặp Chúa Giêsu chỉ để kiểm tra xem con người làm nhiều phép lạ đó có phải là Gioan hiện về đòi nợ máu ông hay không. Đáng tiếc cho ông, Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn bị điệu tới trước mặt ông nhưng Ngài chỉ im lặng (Lc 23,8-9).






Suy niệm: Người Do Thái có khâm phục Chúa Giêsu thì cũng chỉ coi Ngài là một ngôn sứ nào đó, cao lắm thì ngang tầm Gioan Tẩy giả hay Êlia là cùng. Nói chung Ngài có được coi như một bậc vĩ nhân, thì cũng chỉ là một con người; còn việc nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, đối với họ là một điều phạm thánh. Ngay cả Phêrô khi tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” thì cũng còn vương vấn hình ảnh một Đấng Cứu Thế theo kiểu thế tục. Chúa Giêsu phải bổ sung ngay lập tức bằng cách thêm vào quan niệm ấy hình ảnh thập giá: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều,... bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.” Vì thế, lời của viên đại đội trưởng lúc ở dưới chân thập giá Chúa Kitô mới là lời tuyên xưng xác thực và đầy đủ: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).






Suy niệm:
 Con người thời nay thích coi thiên thần như sản phẩm của trí tưởng tượng. Theo giáo lý, thiên thần là thụ tạo thiêng liêng được tạo dựng để chuyên lo phụng thờ Thiên Chúa, được sai đi để trợ giúp con người đạt được ơn cứu độ. Và vì hầu cận Thiên Chúa trong triều đình Thiên quốc, các ngài phản ánh phần nào vinh quang của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định sự hiện hữu thực sự của các thiên thần gắn liền với chức vụ phụng thờ Thiên Chúa: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Và đặc biệt ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính với danh xưng gắn liền với sứ mạng đặc biệt của các ngài: - Micae: “Ai bằng Thiên Chúa” (Đn 10,13-21), là Đấng bảo trợ đặc biệt cho Hội Thánh. - Gabriel: Anh hùng của Thiên Chúa (Đn 8,16), vị sứ giả được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. - Raphael: Thiên Chúa chữa lành (Tb 3,17), vị lương y đã giữ gìn và cứu chữa cho hai cha con Tobia.






Suy niệm: Nếu cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa nối tiếp nhau, thì chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải tính toán, phải quyết định. “Được gì và mất gì?” Chọn lựa cũng có nghĩa là “từ bỏ”; không thể bắt cá hai tay. Đã chọn thì phải chọn lựa những gì tốt hơn, đẹp hơn, cao hơn, giá trị hơn cái hiện có, bởi bản tính tự nhiên luôn hướng ta về Chân, Thiện, Mỹ, về cái “tuyệt đối”. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta sự sống đời đời mới là giá trị tuyệt đối, mà để đạt được nó, chúng ta phải dám cắt bỏ những gì rất thiết thân, quí giá đối với chính bản thân và ngay cả sinh mạng của mình, - chặt tay, móc mắt là những kiểu nói rất mạnh để diễn tả điều đó - nếu chúng làm cớ cho chúng ta sa ngã và đánh mất sự sống đời đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét